Áp dụng rộng rãi hợp đồng điện tử trong 2022 Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam-triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP” diễn ra ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: thực tế, đối với hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng phương thức hợp đồng điện tử từ lâu, đặc biệt với đối tác tại các nước phát triển. Khảo sát của Bộ Công Thương trong “Sách trắng thương mại điện tử 2021” cho thấy, có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại. Theo Bộ Công Thương, với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ngay trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương. Thời gian qua, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã giao Trung tâm Tin học và Công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ 3 như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử. Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số chia sẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Theo đó, đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký; trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp. Cụ thể, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử. “Cục đang triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình cấp đăng ký theo quy định. Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7 tới, các đơn vị đầu tiên đảm bảo đủ các yêu tố vận hành dịch vụ sẽ được cấp đăng ký”, ông Lê Đức Anh nói. Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số toàn cầu Ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng Chuyển đổi số Bkav SME (thành viên Tập đoàn Công nghệ Bkav) chia sẻ: Bkav đã triển khai hợp đồng điện tử được hơn 3 năm nay và thấy rõ hiệu quả đem lại cho Công ty và khách hàng. Cụ thể, việc áp dụng hợp đồng điện tử đã giúp Bkav mỗi năm tiết kiệm 70% chi phí về in ấn, chuyển phát; quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng được rút ngắn 50% thời gian so với trước đây. “Việc áp dụng hợp đồng điện tử sẽ được lan tỏa rộng rãi giúp chuyển đổi số cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, ông Khơ Din đánh giá. Trong khi đó, ông Phan Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty viễn thông Viettel cho rằng, việc số hóa quy trình ký kết hợp đồng sẽ là nhu cầu thiết yếu trong tương lai gần. Đây chính là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu. Chia sẻ về lợi ích ứng dụng hợp đồng điện tử trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone cho biết: từ năm 2018, VNPT đã bắt tay vào xây dựng giải pháp hợp đồng điện tử để làm giàu thêm các sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số cho tập khách doanh nghiệp. Ngoài việc triển khai cho các doanh nghiệp bên ngoài, VNPT cũng đã đưa chính giải pháp hợp đồng điện tử vào áp dụng trong các hoạt động giao kết giữa VNPT với khách hàng, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp. Việc ứng dụng này giúp cho VNPT rút ngắn được quá trình cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin tới khách hàng. Việc phê duyệt, ký kết hợp đồng thực hiện được mọi lúc, mọi nơi, tối ưu được chi phí so với hợp đồng giấy. “Các chi phí liên quan đến in ấn, chuyển phát và kho bãi lưu trữ được cắt giảm hoàn toàn. Sau khi hợp đồng điện tử có hiệu lực thi hành, toàn bộ dữ liệu được đưa lên blockchain lưu trữ và truy xuất giữa các bên khi cần thiết nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật.” ông Nghĩa nói.
|