(CMO) Không đất ở, thiếu tư liệu sản xuất, cuộc sống bấp bênh, tạm bợ của hàng trăm hộ nghèo dưới tán rừng tràm khiến chính quyền xã Khánh Lâm, huyện U Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù đã nỗ lực cải thiện mức sống cho người dân, nhưng để thoát nghèo còn là một bài toán khó.Là địa bàn rộng với 14 ấp, Khánh Lâm có tới 5 ấp có tỷ lệ hộ nghèo trên 38%, 2 ấp được cho là khá nhất cũng đến gần 12% hộ nghèo. Đây cũng chính là tiêu chí khó nhất trong 7 tiêu chí hiện chưa đạt của địa phương về xây dựng nông thôn mới (không thực hiện tiêu chí chợ).
Ông Huỳnh Thanh Luôl, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, bộc bạch: “Khánh Lâm có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, dân cư lại khá đông nên rất khó cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí khó nhất chính là hộ nghèo. Thời gian qua, Đảng bộ xã Khánh Lâm đã ra sức phấn đấu, đề ra nhiều kế hoạch hỗ trợ người dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo đó hằng năm giảm đáng kể. Tuy nhiên, đối với những hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất, do tai nạn, bệnh tật, không chí thú làm ăn, việc thoát nghèo rất khó khăn. Đặc biệt đối với những hộ người già, không có sức lao động, việc giảm nghèo vô cùng khó”. Căn nhà chỉ còn trơ lại vách tường trước mặt đã cũ kỹ, loang lổ, phần còn lại chỉ được che chắn tạm bợ bằng cao su nhưng đó là tổ ấm của cả gia đình 5 nhân khẩu của bà Trần Thị Hiên, Ấp 11. Ngày nắng còn đỡ vất vả, những ngày mưa họ phải chen chúc nhau trong căn nhà dột nát. Đứa con gái lớn của bà Hiên là em Trần Bảo Châu hiện đang học lớp 9. Và bà dự định cho em học hết lớp 9 sẽ đi làm phụ gia đình vì không lo được chi phí học tập. Còn hai đứa em của Châu sẽ được học đến lớp 9 hay không còn chưa thể biết được. Dù ước mơ lớn nhất của bà Hiên là cho các con đi học để có nghề, tương lai tốt hơn nhưng do gia đình khó khăn, không thể tính xa hơn được. Bà Hiên chia sẻ: “Sáng 4 giờ thức dậy nấu cơm rồi đi làm thuê tại Trại giống Khánh Lâm, mỗi ngày được 120.000 đồng. Làm theo thời vụ, đâu phải ngày nào cũng đi làm được, lúc nào có việc người ta mới gọi. Tháng làm nhiều thì được 20 ngày, có tháng làm chưa được 10 ngày, thời gian còn lại ở nhà chứ cũng không biết làm gì nữa”. Ấp 11 là 1 trong 5 ấp nghèo nhất của xã, với hơn 30% hộ nghèo, phần lớn hộ nghèo ở đây đều do không đất ở, thiếu tư liệu sản xuất. Vợ chồng bà Phan Thị Tuyết phải làm thuê kiếm sống, lo cho đứa con 26 tuổi bị câm điếc, không có khả năng lao động. Ở trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, bà Tuyết không chỉ lo lắng về nỗi lo cơm gạo hằng ngày mà còn lo căn nhà không thể trụ vững với mưa to gió lớn. Bà Tuyết bùi ngùi: “Có miếng đất nhỏ để ở thôi, chỗ đâu mà trồng trọt, vậy nên miếng ăn hằng ngày cũng khó khăn. Tới vụ sạ lúa người ta mướn thì mình mần, còn không ai mướn thì ở nhà. Như tháng này không có việc gì làm nên mượn xuồng đi bẻ bông sậy, mỗi ngày được khoảng 50.000 đồng". Qua điều tra rà soát, xét hộ nghèo năm 2015 theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2016-2021, toàn xã Khánh Lâm có 1.175 hộ nghèo, chiếm 33,37% và 179 hộ cận nghèo, chiếm 5,08%. Sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, hiện nay xã Khánh Lâm còn 809 hộ nghèo, chiếm 22,77% và 157 hộ cận nghèo, chiếm 4,42%. Để hướng đến đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo (nghĩa là tỷ lệ hộ nghèo giảm đến dưới 4%) đối với xã Khánh Lâm là một bài toán vô cùng khó khăn. Ông Luôl cho biết thêm: “Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như nâng cao đời sống người dân, hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã đề ra kế hoạch triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá chủ lực trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Rà soát các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Vận động và hướng dẫn hộ dân cải tạo vườn tạp để nuôi trồng, sản xuất tăng thêm thu nhập”. Thêm một điều nan giải hiện nay, ngoài tiêu chí hộ nghèo, địa phương đang đau đầu với 6 tiêu chí còn lại cần nguồn vốn đầu tư lớn, ngoài khả năng của địa phương, như trường học, văn hoá, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập, giao thông và môi trường. Hồng Nhung |