Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc–Nam,ĐầutưđườngsắttốcđộcaotrêntrụcBắkqbd.c1 Trung ương cho rằng đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chất chiến lược để phát triển hạ tầng.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức sáng 20/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đan xen nhiều thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức là nhiều hơn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội từ sau Đại hội XIII của Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Thủ tướng, trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành đã tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Đánh giá chung, trong giai đoạn gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua, Trung ương nhất trí cho rằng, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; chỉ số phát triển con người được cải thiện; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và đánh giá những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương đã cơ bản tán thành quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó, Trung ương Đảng nhất trí với chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7 - 7,5%; giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,5 - 8,5%/năm...
Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng cho biết Trung ương cho rằng đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chất chiến lược để chúng ta phát triển hạ tầng, tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị gia tăng, đi lại thuận lợi cho người dân, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thủ tướng nêu rõ, trước đây chúng ta còn khó khăn, GDP bình quân đầu người mới hơn 1.000 USD, GDP hơn 100 tỉ USD nên chưa thực hiện được việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đến nay GDP của Việt Nam đã gấp 3-4 lần và có dư địa để thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo Thủ tướng, nguồn lực để thực hiện dự án bao gồm nguồn lực của trung ương, nguồn lực của địa phương, nguồn lực đi vay, nguồn lực phát hành trái phiếu, nguồn lực hợp tác công tư.
Thủ tướng dẫn chứng thế giới phát triển rất nhanh và Trung Quốc hiện có 47.000km đường sắt cao tốc, mỗi năm họ phát triển 3.000km cao tốc. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đề ra 10 năm và đến năm 2035 phải xong. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải có cách làm mới, đổi mới cách quản trị, quản lý, cách huy động nguồn lực, đặc biệt là tư vấn, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
"Chúng ta có cách làm mới thì mới đảm bảo được", Thủ tướng nói, đồng thời mong muốn sự ủng hộ bởi đây là một trong các "công trình biểu tượng ở kỷ nguyên vươn mình của đất nước".
Theo Thủ tướng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu; xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành Dự án; phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt để làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước làm chủ sản xuất các thiết bị, phương tiện; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt...
(Nguồn: Báo điện tử VOV)Link: https://vov.vn/chinh-tri/dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-tren-truc-bac-nam-la-lua-chon-mang-tinh-chien-luoc-post1129666.vov