“Hiện nay các thông tin báo cáo trên phạm vi toàn quốc mới chỉ dừng lại ở số liệu về ngân sách nhà nước (NSNN) mà chưa có số liệu về tài chính nhà nước để cung cấp đầy đủ về tình thông tin về tài sản và nguồn lực nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành NSNN, đánh giá hiệu quả chi tiêu công… để đưa ra quyết sách phù hợp.”- ông Nguyễn Hồng Hà nói.
Theo đánh giá của KBNN, các thông tin về kế toán NSNN, nợ của Nhà nước, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa, tình hình quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, tình hình tiếp cận và sử dụng kinh phí NSNN của các đơn vị, hình thành và sử dụng các quỹ tài chính… đã được phản ánh tại các đơn vị. Tuy nhiên các thông tin này chưa được tổng hợp chung thành báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ hoặc của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, cùng với mục tiêu cải cách nền kinh tế nói chung, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là xây dựng Hệ thống kế toán nhà nước thống nhất, hiện đại hướng tới nguyên tắc dồn tích nhằm theo dõi được tài sản và nguồn lực nhà nước, đánh giá hiệu quả chi tiêu công … bằng việc báo cáo tình hình tài sản nhà nước.
Do vậy, trong dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài chính đã đưa nội dung về lập báo cáo tài chính nhà nước. Đây sẽ là cơ sở để có hệ thống thông tin tài chính nhà nước một cách toàn diện, bao gồm: Tình hình tài sản thuộc sở hữu nhà nước; Kết quả hoạt động (thường xuyên, đầu tư, tài chính) của Chính phủ, của cơ quan đơn vị Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Nguồn lực, nghĩa vụ tài chính hiện hữu và tiềm năng của Nhà nước; Các thông tin thuyết minh về tình hình huy động và sử dụng NSNN của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, hiệu quả sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.
Hơn thế nữa, báo cáo tài chính nhà nước còn góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.
Tại Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đến từ Bộ, ngành, địa phương và đều cho rằng cần có quy định về báo cáo tài chính nhà nước trong Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung. Theo ông Nguyễn Minh Tâm- Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, hiện có 7 hạn chế của thông tin đang được cung cấp phục vụ giám sát của Quốc hội như: Đối tượng, thẩm tra, giám sát là các nội dung thông tin trong báo cáo của Chính phủ về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương, quyết toán NSNN nhưng các báo cáo này thường gửi tới cơ quan của Quốc hội rất chậm. Mặt khác, nội dung thông tin không được cụ thể, rõ ràng, lịch biểu trong quy trình NSNN chưa hợp lý; Dự toán thu- chi NSNN được trình Quốc hội chưa có đủ thông tin tổng hợp cần thiết trong ngắn hạn và thông tin về kế hoạch tài chính trung và dài hạn; các khoản vay và trả nợ cùng với chiến lược vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ…
“Để góp phần hạn chế tồn tại này thì việc nghiên cứu hình thành hệ thống thông tin báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ sẽ góp phần cung cấp đầy đủ hơn lượng thông tin về tài chính và NSNN cho cơ quan, tổ chức liên quan. Đây sẽ là căn cứ đánh giá kết quả hoạt động, điều hành của Chính phủ, UBND các cấp; căn cứ để cung cấp thông tin phân tích dự báo kinh tế; công khai ra công chúng theo quy định của pháp luật…”- ông Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Còn theo khuyến nghị của Chuyên gia quản lý tài chính Ngân hàng Thế giới văn phòng tại Hà Nội, bà Trần Thúy Hà thì ở mục tiêu trung hạn, các báo cáo tài chính hợp nhất cho các đơn vị báo cáo của Chính phủ được soạn lập hàng năm và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và trình Quốc hội trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Ngoài ra, hệ thống ngân sách và hệ thống tài khoản kế toán nên đồng bộ. Việc này sẽ giúp đồng nhất trong toàn bộ quy trình lập báo cáo tài chính (từ khâu chuẩn bị ngân sách đến báo cáo tài chính). Đồng thời đảm bảo cho tất cả cơ quan, đơn vị sẽ lập ngân sách và báo cáo tài chính trên cùng một cơ sở nhất quán.
Đại diện Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Đặng Thái Hùng đã ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo về việc phải có khung pháp lý quy định việc lập báo cáo tài chính nhà nước phù hợp với chuẩn mực công quốc tế; cần có giải pháp hỗ trợ công nghệ thông tin để xử lý được khối lượng thông tin rất lớn về tài chính nhà nước…