Giá cà phê nội địa giữa tuần này đã tăng trở lại mốc trên 100.000 đồng/kg. Tính đến sáng 3/4, giá cà phê tại Đắk Nông và Đắk Lắk đã tăng lên mốc 103.000 đồng/kg, Gia Lai 102.500 đồng/kg và Lâm Đồng 102.000 đồng/kg. Trong các hội nhóm cà phê trên mạng xã hội, nhiều người cho biết chưa vội bán mà tiếp tục giữ hàng vì nghĩ giá sẽ còn tăng.
Mặc dù giá cà phê tăng cao song, theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, ở các vùng trồng cà phê như Gia Lai, Lâm Đồng… nông dân không còn hàng vì đã bán ra từ khi giá cà phê tăng lên trên 60.000 đồng/kg. Về phía doanh nghiệp, thực tế họ cũng ký bán cho nhà nhập khẩu khi giá cà phê còn thấp, nay đến hạn trả hàng dù giá cà phê tăng cao họ vẫn phải mua, nhưng muốn mua được số lượng lớn rất khó, do thị trường khan hiếm nguồn cung. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cho biết, giá cà phê tăng gần như gấp đôi nhưng chỉ những nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài là bên có lợi, vì họ có dự báo tốt và có tiềm lực kinh tế mạnh nên đã gom hàng từ lúc giá cà phê còn thấp. “Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước thì không có lợi vì không mua được hàng, nếu mua được cũng chỉ mua nhỏ giọt, khiến việc trả hàng theo hợp đồng gặp khó khăn”-ông Luận nói và cho biết thêm, do cà phê Việt Nam tăng giá đột biến nên đã có một lượng khách hàng chuyển sang mua cà phê của Ấn Độ. Theo nhận xét từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), nguyên nhân chính của việc tăng giá là Việt Nam vẫn "một mình một chợ" kéo dài đến tháng 7 năm nay. “Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới cao, dự báo giá có thể còn tiếp tục tăng”-đại diện của VICAFA dự báo.
|