Remote jobs – Remote Working phát huy hiệu quả trong thời gian giãn cách | |
Doanh nghiệp mong ngày TPHCM nới lỏng giãn cách | |
Đảm bảo dòng chảy ngân sách thông suốt trong thời gian giãn cách |
Việc nới lỏng để DN từng bước hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong lúc này là điều hết sức cần thiết. Ảnh: DN cung cấp |
Doanh nghiệp cần “ôxy”
Theo ghi nhận, hàng loạt DN tại TPHCM cho biết đang "thoi thóp", khó có thể cầm cự thêm sau hơn 3 tháng giãn cách, nên việc thành phố mở dần nền kinh tế là rất cấp thiết.
Bà Trần Mỹ Hương, Giám đốc Phòng kinh doanh, Công ty TNHH nến Zhong Sheng (KCN Đông Nam) cho biết, DN đang gần “kiệt sức” sau thời gian tổ chức “3 tại chỗ” để sản xuất. Không chỉ chi phí cho hoạt động “3 tại chỗ” tăng, công ty đang phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh khi phải đổi một số đối tác, nhà cung ứng nguyên liệu không bị ảnh hưởng do dịch. Cụ thể, công ty đang phải chấp nhận thu mua nguyên liệu sản xuất với giá thành cao hơn và phải thanh toán ngay khi đặt hàng.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 8 tháng năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường là 85.500 DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, TPHCM chiếm hơn 28% với 24.000 DN rút khỏi thị trường, tăng 6,6%. |
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, DN cũng đang kiệt quệ. Mặt khác, khá nhiều đơn hàng cho quý 4 cần DN mở rộng sản xuất, nếu không mở cửa sớm, các đơn hàng cần giao sẽ khó đáp ứng. Đặc thù của dệt may là theo mùa và mùa này đơn hàng cận Tết khá dồi dào. Do đó, nếu tiếp tục giãn cách, DN sẽ gãy chuỗi sản xuất và mất đơn hàng quý 4. TPHCM nên mở cửa sớm để DN dễ dàng trong kế hoạch kinh doanh và nhận đơn hàng cho quý 4.
Cũng theo ông Phạm Xuân Hồng, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 có 80% công nhân đã tiêm vắc xin mũi 1 và một vài nhóm đã tiêm mũi 2. Do đó, công ty sẵn sàng cho mở rộng hoạt động; công ty cũng đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, cơ cấu lại sức khoẻ tài chính và lên kế hoạch tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH SXTM Nguyên Thanh cho biết, công ty cung ứng hàng thiết yếu và vật tư y tế nên thời gian qua vẫn tạm thời duy trì được hoạt động. Tuy nhiên, nhân sự bị giảm rất nhiều, kéo theo doanh số giảm. Theo đó, việc nới lỏng để DN từng bước hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong lúc này là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc hoạt động trở lại phải có giải pháp bình thường mới theo tiêu chuẩn phòng chống dịch của Nhà nước, xây dựng những tiêu chuẩn phòng chống dịch tại DN như người lao động tiêm ngừa vắc xin được đi làm, áp dụng 5K…
Ngoài ra, nhiều DN đồng lòng cho rằng, phải mở cửa cả về lao động mới phục hồi được sản xuất. Để tổ chức lại sản xuất, cần nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, lượng người lao động đã dịch chuyển trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đang bị kiểm soát chặt chẽ ở các địa phương, tạo ra đứt gãy về nguồn lực và không có nguồn lực này thì dây chuyền sản xuất không thể hoạt động được.
Bài toán nhân lực
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đối với những DN thuỷ sản tại các địa phương phía Nam, đến cuối tháng 8 chỉ có 30-40% DN hoạt động “3 tại chỗ”; 30-40% phải ngưng hoạt động và số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy nhằm thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Những đơn vị còn hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ huy động được khoảng 30-50% so với tổng số lao động, khoảng 50-70% phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, khiến công suất chế biến giảm 50-60% so với trước. Công suất chung của cả vùng ước đã giảm 60-70%.
Sử dụng hơn 10.000 lao động, Công ty TNHH Samho Việt Nam (huyện Củ Chi) cũng đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi các phương án giữ chân công nhân gần như không thể thực hiện. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay do tình hình tài chính khó khăn, từ ngày 31/7 công ty phải dừng trả lương cho công nhân. Doanh nghiệp gấp rút nộp hồ sơ xin hỗ trợ tối đa 3,71 triệu đồng cho mỗi lao động tạm hoãn hợp đồng 30 ngày nhưng vừa bị cơ quan chức năng trả lại để chờ hướng dẫn.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), kiến nghị cần triển khai nhanh, đa dạng các gói hỗ trợ an sinh xã hội để người lao động có điều kiện quay trở lại nhà máy, nơi làm việc. Người lao động cũng cần được hỗ trợ chi phí nâng cao năng lực chuyên môn để có thể chuyển nghề do mất việc hoặc thay đổi việc làm. Đặc biệt, thành phố tiếp tục hỗ trợ DN thiết lập, tổ chức được nhà ở, khu lưu trú cho công nhân.
Mặt khác, thống kê của Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho thấy, ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Ngoài ra, hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu Linh Trung I, II, Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)... nhưng lại thuê trọ, sinh sống ở các khu vực giáp ranh với TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An không thể đi lại được do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Theo đó, để các DN có thể hoạt động trở lại và sớm phục hồi, bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn vốn, chính sách cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho người lao động. Đây là điều kiện mấu chốt để các DN có thể hoạt động lại an toàn.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, việc mở lại nền kinh tế là điều ai cũng muốn song đây là thời điểm không thể thực hiện “Zzero Ccovid” – đưa hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng như năm 2020. Theo đó, DN cần chấp nhận thực tế sống chung với dịch. Dù miễn dịch cộng đồng có thể đã đạt được nhưng nơi này nơi kia vẫn có ca F0 ở mức thiểu số.
Hiện các khu công nghiệp TPHCM có khoảng 250.000 công nhân đã tiêm mũi 1 qua 9 tuần, trong đó công nhân “3 tại chỗ” khoảng 60.000 người. Số này hiện rất cần bổ sung tiêm mũi 2. “Nếu được tiêm mũi thứ 2, lực lượng công nhân nói chung và công nhân đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nói riêng sẽ an toàn hơn. Mũi tiêm thứ 2 cũng là tuyến phòng ngự vững chắc, góp phần tiếp cận miễn dịch cộng đồng để sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường” - ông Bé chia sẻ.