Theo phân tích của ban soạn thảo, quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP về nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư: “Dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn và theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 thì ưu đãi đầu tư đối với các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại điểm b, c, d Khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 134/2016/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể đối với dự án có quy mô vốn 6.000 tỷ đồng trở lên và cũng chưa thể hiện được nguyên tắc áp dụng đầu tư của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 nêu trên.
Bên cạnh đó, tại Khoản 13 Điều 16 Luật thuế số 107/2016/QH13 quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất. Tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP chỉ nhắc lại quy định của Luật thuế số 107/2016/QH13 mà không quy định chi tiết dự án đầu tư như thế nào được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 13 Điều 16 Luật thuế số 107/2016/QH13. Vì vậy, theo Ban soạn thảo cần thiết phải bổ sung cụ thể đối tượng dự án đầu tư cụ thể được áp dụng ưu đãi thuế trong thời hạn 5 năm.
Đồng thời, tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư ”dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”.
Theo đó, ban soạn thảo cho rằng tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 134 cần thiết phải bổ sung thêm đối tượng dự án đầu tư đáp ứng nguyên tắc ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cũng được áp dụng ưu đãi thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Vì vậy, ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 15 miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm cụ thể như sau:
“Điều 15. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm.
1. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư quy định tại điểm a, b, c khoản này được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại khoản 13 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
a) Dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục I và II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP;
b) Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ sở để xác định đối tượng được miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định này.
c) Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.
d) Dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế tiến hành hoạt động sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan cho cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế.
Hết thời hạn miễn thuế 5 năm, người nộp thuế phải kê khai nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu nhưng không sử dụng hết đã được miễn thuế.
đ) Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư quy định tại điểm a,b,c,d khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; dự án sản xuất sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
2. Việc xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm căn cứ vào quy định về xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên quy định tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.
Đồng thời bổ sung thêm khoản 3 để quy định rõ căn cứ để xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 18 miễn thuế đối với giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Khoản 12 Điều 16 Luật số 107/2016/QH13 quy định giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu và tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP đã nhắc lại quy định tại khoản 12 Điều 16 Luật thuế số 107/2016/QH13. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh vướng mắc quy định tại khoản 1 Điều 18 như sau: Cách hiểu 1: Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để được miễn thuế phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện: (i) trong nước chưa sản xuất được và (ii) cần thiết nhập khẩu. Cách hiểu 2: Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để được miễn thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện: (i) trong nước chưa sản xuất được hoặc (ii) cần thiết nhập khẩu. Vì vậy, để bảo đảm đúng quy định của Luật thuế số 107/2016/QH13 và quy định tại Nghị định được minh bạch, rõ ràng, cần thiết bổ sung thêm từ “và” tại khoản 1 Điều 18 như sau: “1. Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được và cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. |