Tận dụng lợi ích từ chương trình Hộ chiếu logistics thế giới tại Việt Nam | |
Malaysia hướng tới trở thành trung tâm hậu cần khu vực | |
Hải quan Quảng Ninh: Nỗ lực để tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu |
Quang cảnh Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Anh Minh |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn.
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét, vươn lên đứng ở top đầu các nước có Chỉ số Logistics thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng khá cao (14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Đối với Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, địa phương có lợi thế đặc biệt để phát triển logistics. Bởi Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không) giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược . Với sự sáng tạo độc đáo, kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực” đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển và logistics.
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo một số vấn đề. Trong đó, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi”, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn; khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao thương quốc tế, đóng vai trò kết nối nội vùng và liên vùng.
Hội nghị các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để triển khai Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệp vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.