“Phạm vi tổng kiểm kê tài sản công rất rộng, mất nhiều thời gian, nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp”, ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh. Các bộ, ngành đang sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy theo đúng chỉ đạo. Thưa ông, đối với đơn vị sự nghiệp khi thực hiện sáp nhập thì sắp xếp tài sản công đang quản lý, sử dụng thế nào? Theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Quyết định 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024). Thực hiện việc tổng kiểm kê tài sản công, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 798/QĐ-BTC (ngày 5/4/2024), đề nghị các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các đối tượng thực hiện kiểm kê cập nhật, bổ sung chỉ tiêu kiểm kê đối với tình trạng của tài sản theo các tình trạng: còn sử dụng được, sử dụng đúng mục đích; còn sử dụng được, sử dụng không đúng mục đích; còn sử dụng được, không sử dụng; và hỏng, không sử dụng được. Kết quả của cuộc tổng kiểm kê công sản lần này nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm căn cứ để đưa ra các phương án xử lý cho phù hợp. Hiện ở Trung ương, các bộ, ngành đang chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy, đầu mối; còn dưới địa phương, nhiều nơi đang tiến hành sắp xếp các sở, ngành. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, bao gồm cả báo chí, cũng thực hiện sắp xếp lại theo hướng thu hẹp đầu mối, tinh gọn bộ máy. Việc sắp xếp bộ máy, cơ cấu tổ chức tách bạch với tài sản công, đặc biệt là trụ sở, nhà đất được Nhà nước giao cho các đơn vị sự nghiệp công quản lý, sử dụng và tài sản công do đơn vị sự nghiệp cộng tự chủ đầu tư 100%. Ông có thể nói rõ hơn? Các cơ quan, đơn vị cũ khi sắp xếp, sáp nhập thành đơn vị mới. Sau khi cơ quan, đơn vị mới sắp xếp bộ máy, cơ cấu, tổ chức, nhân sự thì mới tính đến khâu xử lý tài sản công, nhưng trước mắt đơn vị mới vẫn chịu trách nhiệm quản lý trụ sở, tài sản của các đơn vị cũ không sử dụng đến do thực hiện sắp xếp. Sau đó, đơn vị mới chủ động xác định nhu cầu sử dụng diện tích nhà đất theo đúng tiêu chuẩn, định mức, từ đó xác định giữ lại bao nhiêu diện tích, phần dôi dư không có nhu cầu sử dụng, vượt quá tiêu chuẩn, định mức thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bằng nhiều hình thức như chuyển cho đơn vị khác, tổ chức bán đấu giá, chuyển nhượng hoặc chuyển giao về địa phương. Trường hợp chưa sắp xếp ngay được sau khi đơn vị mới đã ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, trụ sở làm việc mới, thì đơn vị mới tiếp tục bố trí cho các phòng ban trong cơ quan tạm thời làm việc hoặc khai thác (liên doanh, liên kết, cho thuê có thời hạn) để không làm gián đoạn quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, giảm thiểu hư hại vì trên thực tế, các công trình, nhà cửa, trụ sở không sử dụng hư hại rất nhanh. Tài sản mà đơn vị sự nghiệp đang khai thác thông qua liên doanh, liên kết, cho thuê thì chuyển sang pháp nhân mới là đơn vị thành lập trên cơ sở sáp nhập mới kế thừa quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Có thể nói, công việc rất nhiều và cực kỳ phức tạp, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm. Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về một số vấn đề tiêp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong những năm qua, cả nước đã thực hiện sắp xếp giảm được 7 huyện, 373 xã, cũng tương ứng với từng ấy trụ sở cấp huyện và cấp xã không cần sử dụng đến. Cách xử lý đối với diện tích nhà đất mà Nhà nước muốn dành dự trữ lâu dài thì sao? Để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội thì giao cho đơn vị có chức năng quản lý nhà đất của địa phương quản lý, bảo vệ, khai thác, trong đó có việc cho thuê. Khi thực hiện cho thuê, về cơ bản phải thực hiện đấu giá, trừ trường hợp đặc biệt đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện xã hội hóa thuê. Đối với đơn vị sự nghiệp công, sau sáp nhập, hợp nhất, nếu có phần diện tích đất không sử dụng hết, sử dụng không hết công suất mà có đề án được cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền phê duyệt thì được quyền tổ chức khai thác như cho thuê, góp vốn liên doanh, liên kết, nhằm phát tối đa huy hiệu quả sử dụng tài sản công, nhưng đơn vị khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước và việc khai thác phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Trong quá trình xử lý công sản “hậu sắp xếp” tổ chức bộ máy liệu sẽ phát sinh vướng mắc gì, thưa ông? Ngoài cách khai thác tài sản công, đặc biệt là trụ sở, nhà đất kể trên, còn có cách sắp xếp nữa là bán, tổ chức đấu giá chuyển nhượng đất đai và tài sản trên đất vốn là trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ quan, trụ sở sử dụng diện tích đất đai lớn, vượt quá khả năng và nhu cầu của người muốn đấu giá quyền sử dụng đất, thì cho phép phân thành nhiều lô đất nhỏ nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong trường hợp trụ sở không phù hợp theo nhu cầu sử dụng của người mua thì được phép phá dỡ công trình cũ, tạo mặt bằng sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ chế khai thác tối đa hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai “hậu sáp nhập” đã mở hết, nhưng vướng mắc phát sinh là nhiều công trình, trụ sở có giá trị còn lại rất lớn, thanh lý không được, phá dỡ thì lãng phí, trong khi vị trí mảnh đất cũng rất khó bán đấu giá, cho thuê cũng không được, khai thác cũng không xong do ở xa trung tâm. Những công trình này hiện tại đành để lại. Bộ Tài chính đang cùng với các địa phương lên phương án xử lý. Thưa ông, một trong những mục tiêu của tổng kiểm kê tài sản công lần này là nhằm chống lãng phí, nhưng hiện tại có nhiều công trình trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đang dở dang? Đây là những dự ánđang trong quá trình đầu tư, xây dựng, chưa đưa vào khai thác, sử dụng và bàn giao, nên không thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mà thuộc phạm vi điều chỉnh bởi các luật khác. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm dự án tồn đọng, dừng thi công, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều công trình trị giá hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng thi công dở dang, kéo dài, gây lãng phí. Để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với dự án, công trình tồn đọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 112/CT-TTg (ngày 6/11/2024) yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả. Biện pháp mạnh nhất được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy... |