Mở rộng quyền tự chủ với giáo dục đại học
Luật sửa đổi,ốchộithôngquadựánluậc1 mu bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của giáo dục đại học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
Luật cũng quy định rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật.
Về học phí, luật quy định cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 32 của luật này và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì được tự chủ xác định mức thu học phí. Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí. Mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khoá học và từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định, Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Ngoài ra, luật cũng quy định các trường hợp không được đề nghị đặc xá khi: bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự… Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Cảnh sát biển có thể hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam
Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Về phạm vi hoạt động, cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này.
Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam. Luật xác định ngày 28/8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Về điều kiện mua bán phân bón, luật quy định tổ chức, cá nhân mua bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Trường hợp mua bán phân bón do mình sản xuất thì không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón.
Bên cạnh đó, các nội dung về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất phân bón; sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác; trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác… cũng được quy định cụ thể tại Luật Trồng trọt. Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Nội dung Luật Chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; thức ăn chăn nuôi; điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; chăn nuôi động vật khác; đối xử nhân đạo với vật nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi./.
D.A