Duyên nghề
Trường Cao đẳng Hải quan trở thành một trong những cân nhắc của gia đình. Nhưng sự tự tôn quá lớn trong tôi đã lấn át mong muốn của những người đi trước về công việc trong tương lai. Sự lựa chọn của tôi phải là các trường Đại học hàng đầu, không thể là một trường Cao đẳng thua kém bạn bè. Nhưng cuộc sống, mỗi người khi được sinh ra đã có một vì sao chiếu mệnh. Và năm tháng sau này dậy tôi một điều giản đơn rằng: Bằng cấp, ngành nghề không quan trọng bằng tâm thế và cách thức bạn làm công việc nào đó. Bạn có thể không sở hữu bảng thành tích học tập loại ưu, nhưng vẫn có thể là một người làm việc xuất sắc. Bạn có thể không tốt nghiệp Đại học Sư phạm, vẫn có thể là một người thầy giỏi của con em mình, của đồng nghiệp đi sau, của người cần đến bạn trong lĩnh vực bạn chuyên tâm. 15 năm trước, tôi không chọn trường Cao đẳng Hải quan để tiếp nối con đường tri thức. Nhưng hiện tại, tôi lại đang dành hết nhiệt huyết tuổi trẻ và có lẽ cả cuộc đời sau này, cùng đồng nghiệp của mình đắp xây từng viên gạch nhỏ cho những nấc thang lên tầm cao mới của Hải quan Việt Nam.
Ngẫm ra thì cũng rất thành thực và có lý. Tôi cũng như bạn, có 24 giờ để sống, để yêu, để làm việc, để ngủ. 8 giờ là thời gian khuyến khích để ngủ. 8 giờ làm việc và 8 giờ còn lại để dành cho gia đình, sở thích, tình yêu và cuộc sống riêng tư. 8 giờ dành cho công việc, bằng cả thời gian tôi dành cho phần yêu thương và trách nhiệm với gia đình, bản thân. Trong 8 giờ ấy, tôi đã sống trọn vẹn từng giây phút cống hiến, với đầy đủ những hỉ nộ ái ố rất con người. Có khi, tôi còn mang cả những lo toan, mệt mỏi, bận rộn, yêu ghét ấy về gia đình nhỏ của mình. Dù luôn hứa với lòng mình rằng ra khỏi cổng cơ quan sau 5 giờ chiều, tôi sẽ “quẳng gánh lo đi và vui sống”, sẽ dành tất cả yêu thương và sức lực của tôi cho những người thân yêu đang đợi tôi trở về. Dù rất ân hận và muốn điều chỉnh, đôi khi, tôi vẫn đánh cắp thời gian, sự quan tâm, lòng chung thủy của tôi để dành cho công việc. Nhiều lúc tôi nghĩ một cách hài hước rằng, có lẽ người ở bên tôi nhiều nhất chính là công việc. Các con rồi khôn lớn, sẽ biển rộng trời cao con vẫy vùng và rời xa tôi. Chồng là người thân nhất, cũng có thể sẽ là người xa lạ nhất. Chỉ có công việc luôn thủy chung gắn bó, ít nhất là đến khi tôi 55 tuổi. Nếu có thay đổi, phần nhiều sẽ từ ý chí và mong muốn của chính tôi. Công việc mang lại cho tôi niềm vui, khát vọng thể hiện năng lực bản thân, cho tôi nhiều mối quan hệ và bạn mới. Công việc hiện tại mở ra nhiều cơ hội, điều kiện để học tập, hướng ra thế giới, phát huy sở trường và mở rộng quan hệ. Không chỉ có niềm vui, sự thuận lợi. Có muôn vàn rắc rối mà công việc mang lại. Đôi khi cả áp lực và trầm cảm nếu không tự điều chỉnh. Nhưng những hỉ nộ ái ố từ công việc, là xúc cảm tự nhiên, thành thực, rất con người. Và quan trọng nhất, vì nó, tôi thấy mình đang sống, được sống một cách có ích và ý nghĩa trong từng phút giây.
Là người gác cửa cho nền an ninh kinh tế quốc gia, là người đầu tiên đón chào du khách, bạn bè, doanh nhân quốc tế đến với Việt Nam, cán bộ công chức Hải quan mang trên mình sứ mệnh của người đại diện cho hình ảnh đất nước tại các cửa khẩu. Để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của trong nước và thế giới, Hải quan Việt Nam đang nỗ lực thay đổi theo hướng cải cách hiện đại hóa. Rất nhiều công việc lớn đã được triển khai thời gian qua như Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Luật Hải quan 2014, Cơ chế một cửa quốc gia... Toàn Ngành trở thành một công trường lớn, nơi triển khai các dự án mang tầm quốc gia với không khí khẩn trương, quyết liệt và căng hết công suất. Những buổi tối đi chơi về muộn, ngang qua ngôi nhà thứ 2 của mình, tôi vẫn thấy các ô cửa sổ sáng đèn. Đấy là lúc các đồng nghiệp vẫn miệt mài trên bàn làm việc. Có nhiều công chức nữ đi công tác tại cơ sở để triển khai, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ cả tháng không được về nhà...
Trong không khí cải cách quyết liệt ấy, biến chuyển đáng mừng nhất là thái độ và tâm thế đón nhận cải cách của cán bộ công chức Hải quan. Sự e ngại của những ngày đầu cải cách dần tan biến. Chúng tôi ý thức rõ ràng về cải cách như một yêu cầu bắt buộc, một xu thế tất yếu của lịch sử, một trọng trách, một sứ mệnh, một niềm tự hào của Hải quan Việt Nam. Và chúng tôi, những cá nhân nhỏ bé sẽ là một phần mắt xích không thể thiếu của guồng quay hiện đại ấy. Nếu ai đó dừng lại, sẽ bị tụt về phía sau, chấp nhận quy luật đào thải của hệ thống. Với ý chí, sự đồng lòng và quyết tâm mạnh mẽ ấy, tôi tin Hải quan Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ trong hành trình cải cách. Chúng tôi tự hào vì Hải quan Việt Nam đang là một trong những ngành đứng đầu về cải cách hiện đại hóa trong hệ thống hành chính quốc gia.
Lễ bàn giao công trình nhà văn hóa thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn do Đoàn Thanh niên cơ quan Tổng cục Hải quan quyên góp, xây dựng Ảnh: QUANG TẤN |
Xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi
Là công chức Hải quan với tuổi đời và tuổi nghề trẻ, chúng tôi, thế hệ công chức 8X nhìn nhận về công việc, về Hải quan Việt Nam một cách cởi mở và hiện đại. Có thể không đủ độ sâu sắc và toàn diện. Nhưng thân thiện và tràn đầy nhiệt huyết muốn cống hiến, muốn được khẳng định giá trị bản thân, muốn trở thành một phần quan trọng trong lịch sử Hải quan hiện đại và tương lai. Với tâm thế đón nhận ấy, chúng tôi mong muốn Hải quan Việt Nam xây dựng được một hệ thống giá trị cốt lõi, những chân giá trị bền vững, nội tại, có khả năng định hướng phát triển cho toàn Ngành với một chiều dài lịch sử bền vững. Đó là những giá trị mà chúng ta sẽ phải chiến đấu và bảo vệ đến hơi thở cuối cùng, không nhân nhượng, không thỏa hiệp. Đó sẽ là thương hiệu của Hải quan Việt Nam. 70 năm là một hành trình dài. Nhưng chưa phải là kết thúc. Sẽ có nhiều lần 70 năm như thế ở phía trước. Không bao giờ là muộn cho những bước khởi đầu.
Lâu nay, chúng ta hay nói về các khái niệm Tâm, Tầm, Tài trong quản lý. Công chức Hải quan là người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan. Nhưng cá nhân tôi không thích dùng những từ ngữ to tát ấy. Tôi muốn hướng tới một khái niệm giản đơn và dễ hiểu hơn: Tự trọng nghề nghiệp. Tại sao lại không xây dựng giá trị cốt lõi ấy ngay từ chính cá nhân mỗi người và nhân lên thành giá trị của cả tổ chức? Những yếu tố thuộc về con người, thuộc về lĩnh vực phi vật chất bao giờ cũng có giá trị lâu bền và sức cảm hóa lớn lao. Chúng ta cần tự trọng, vì chúng ta đại diện cho nhà nước tham gia vào lĩnh vực quản lý xã hội. Chúng ta có một bề dày truyền thống vẻ vang, đáng tự hào. Chúng ta được trả lương từ đóng góp của toàn xã hội. Chúng ta vinh dự là người đầu tiên tiếp xúc với bạn bè, du khách, doanh nghiệp quốc tế. Công việc chúng ta đang làm đóng góp phần lớn ngân sách, an ninh và sự phát triển của kinh tế quốc gia. Với những sứ mệnh quan trọng ấy, sự tự trọng nghề nghiệp là điều cần phải nhắc đến đầu tiên trong hệ thống các giá trị cốt lõi của cá nhân và tổ chức. Có tự trọng nghề nghiệp, chúng ta sẽ chuyên nghiệp, minh bạch, công tư phân minh. Có tự trọng, chúng ta sẽ không ngừng học hỏi và hoàn thiện. Có tự trọng, chúng ta sẽ mơ ước và xây dựng ngôi nhà Hải quan văn minh, hiện đại, xứng tầm Việt Nam và theo kịp thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng và duy trì giá trị ấy, chúng tôi cũng cần được đáp ứng một cách tương đối đầy đủ về các điều kiện: Mức lương và sự đãi ngộ hợp lý; môi trường làm việc lành mạnh, tôn trọng sự phát triển tích cực của cá nhân, thường xuyên được giáo dục về truyền thống, đào tạo về nghiệp vụ và đạo đức công vụ; là những người trẻ, chúng tôi mong muốn được mặc những bộ quần áo Hải quan đẹp, hiện đại, phù hợp với môi trường làm việc, khiến chúng tôi tự tin khi làm việc với doanh nghiệp và đối tác.
Tự trọng nghề nghiệp là giá trị hình thành bởi chiều dài lịch sử, truyền thống, xây đắp qua nhiều thế hệ. Hãy bắt đầu bởi điểm tựa của ngày hôm qua và mong muốn tốt đẹp của ngày mai. Với sức mạnh từ nội tại, với hệ thống giá trị cốt lõi, Hải quan Việt Nam sẽ nối tiếp 70 năm truyền thống bằng những nấc thang mới, chinh phục đỉnh cao mới và khẳng định bản sắc của chính mình.
(*) Bài đạt giải B cuộc thi “Viết bài về Hải quan Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển”