Xuất khẩu điều tăng trưởng tốt trong các năm qua. Ảnh: Danh Lam. Giá tăng tốt Đi ngược lại xu hướng của các mặt hàng trong nhóm hàng nông,ànhđiềuvớitháchthứcchấtlượnhận định sevila lâm thủy sản có kim ngạch XK giảm sút, mặt hàng điều lại có sự tăng trưởng tốt. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, XK hạt điều đạt 149.961 tấn trị giá 1,08 tỷ USD tăng 13,7% về lượng và 28% về trị giá. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 35,5%, 14,66% và 10,49% tổng giá trị XK. “Yếu tố cung - cầu chính là nguyên nhân chính giúp cho ngành điều có sự tăng trưởng tốt như vậy”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá như vậy khi chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan. Cụ thể, nhu cầu các loại hạt ăn được trên thế giới tăng. Đặc biệt, 4 năm trở lại đây, do nắng hạn kéo dài nên các loại hạt chủ yếu của Mỹ - thị trường XK lớn nhất của Việt Nam như hạnh nhân, hạt dẻ, óc chó chủ yếu canh tác ở tiểu bang California bị mất mùa hoặc giảm sản lượng làm cho chênh lệch cung-cầu thêm trầm trọng. Vì vậy, giá hạt hạnh nhân ở Mỹ rất cao so với các năm trước nên người tiêu dùng Mỹ đang tích cực chuyển qua ăn hạt điều với giá cạnh tranh hơn. “Nhờ thị trường NK “hút hạt” nên Việt Nam XK được nhiều hơn”, ông Thanh nói. Một nguyên nhân khác giúp ngành điều tăng trưởng tốt là do DN đã quan tâm nhiều hơn đến xúc tiến thương mại cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước ở các thị trường trọng điểm nên XK dần mạnh lên. Theo dự báo của Vinacas, với lượng tồn kho các loại hạt (bao gồm hạt điều) của Bắc Mỹ, châu Âu trong quý I và quý II-2015 khá thấp, cộng với nhu cầu tiêu thụ hạt toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, không chỉ ở Bắc Mỹ, châu Âu mà còn là Trung Quốc và Ấn Độ, thị trường tiêu thụ sẽ tiếp tục khởi sắc. Ông Thanh cho rằng, XK điều năm nay có thể đạt 2,5 tỷ USD mặc dù sản lượng XK không cao, chỉ khoảng 300.000 tấn do giá xuất cao. Thiếu nguyên liệu: Không quá lo lắng Trong khi XK tăng khá thì lượng điều thô NK về phục vụ XK cũng có mức tăng đột biến. Cụ thể, trong 6 tháng, Việt Nam đã nhập 437.200 tấn điều thô trị giá 553,033 triệu USD tăng 82,8% về lượng và 119,3% về trị giá so với cùng kỳ. Cũng bởi do nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước nên bắt buộc phải NK. Hiện lượng điều thô NK từ châu Phi chiếm đến 80%. Với việc NK một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, XK nhiều chuyên gia lo lắng cho ngôi vị quán quân về XK điều trong 9 năm qua của Việt Nam khó có thể giữ vững? Trả lời cho câu hỏi này, người đứng đầu Vinacas thẳng thắn nói: “Tôi không đồng ý với đánh giá như vậy. Nếu nói rằng, sự phát triển của ngành điều không bền vững khi phải NK bên ngoài về để chế biến XK là không hợp lý. Bởi lẽ có nhiều ngành công nghiệp ở các quốc gia phát triển nhưng họ vẫn phát triển tốt mặc dù không có vùng nguyên liệu. Quan trọng là mối liên kết của DN những nước không có vùng nguyên liệu với nước có vùng nguyên liệu”. Do vậy, theo đánh giá của Vinacas, bài toán nguyên liệu có thì càng tốt nhưng không có thì cũng không quá lo lắng. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng nhấn mạnh, thương hiệu điều Việt Nam hiện nay rất mạnh bởi nói đến hạt điều là người ta nghĩ đến Việt Nam. Hiện Việt Nam không chỉ là nước XK nhân điều lớn nhất thế giới mà còn là một trong hai trung tâm chế biến điều nổi tiếng toàn cầu. Hàng năm, cả thế giới có khoảng 2,8 - 2,9 triệu tấn hạt điều thì chỉ riêng Việt Nam đã chế biến 1,3 triệu tấn (khoảng 40%), tương đương với Ấn Độ. Tại thị trường Mỹ, năm 2014, trong số 170.000 tấn nhân điều mà Mỹ NK, Việt Nam đã cung cấp khoảng 80.000 tấn (gần một nửa). Dù so với hai đối thủ chính là Ấn Độ và Brazil, nhân điều Việt Nam vào Mỹ đang phải chịu thuế 5% (hạt điều hai nước trên không phải chịu thuế) cho thấy khách hàng và người tiêu dùng Mỹ đang rất quan tâm tới hạt điều của Việt Nam. 45% cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Như vậy, với những phân tích của ông Thanh thì việc thiếu nguyên liệu không phải là “vấn đề” hàng đầu của ngành điều. Nỗi lo lớn nhất của ngành điều lại nằm ở vấn đề chất lượng. Theo Bộ NN&PTNT, có quá nhiều DN tham gia XK điều và số lượng DN XK tăng lên sau mỗi năm. Cụ thể năm 2014 là 345 DN, trong đó số DN có kim ngạch XK dưới 5 triệu USD/năm chiếm 73%. Thực tế này tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm XK không đồng đều, làm thiệt hại chung cho toàn ngành. Trong khi đó, ở khâu quản lý, các địa phương lại đang bỏ ngỏ việc quản lý chất lượng. Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến theo Thông tư số 14/2011/TT-BNN&PTNT (nay đã được thay thế bởi Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT) cho thấy, cả nước có khoảng 265 cơ sở chế biến điều với công suất chế biến 1,2 triệu tấn điều hạt/năm, trong đó có 119 cơ sở, DN xếp loại C, tức là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm gần 45% và điều này tiềm ẩn những rủi ro cho ngành sản xuất và XK hạt điều. Tuy nhiên, việc kiểm tra trong thời gian vừa qua mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá, phân loại cơ sở, các địa phương chưa xử lý nghiêm đối với những cơ sở loại C. Những cơ sở loại C này sau khi được kiểm tra, phân loại kết quả vẫn hoạt động bình thường. Có thể thấy, sản phẩm nhân hạt điều của Việt Nam vẫn đang được các nước chấp nhận song trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao, ngành điều đang đứng trước những thách thức rất lớn. Do vậy, Vinacas đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến điều, đặc biệt các cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Y Tế, Quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến điều và Quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ… Thông tin từ Vinacas cho hay, gần đây, phía Mỹ - thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam - khảo sát 32 nhà máy chế biến điều của Việt Nam, đã phát hiện khá nhiều đơn vị chưa đạt yêu cầu. Tới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) cũng sẽ tiếp tục qua khảo sát nhiều cơ sở chế biến điều của Việt Nam và kiểm soát chặt hơn nữa lượng Salmonella và E.coli đối với các lô hàng thực phẩm được NK. Nếu không đáp ứng yêu cầu, việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường này sẽ trở nên khó khăn. |