Thủ tướng yêu cầu báo cáo, nêu rõ trách nhiệm việc tăng giá thịt lợn | |
Nhập khẩu thịt lợn tăng tới 150% | |
Thấp thỏm lo thịt ngoại dồn dập đổ vào Việt Nam |
Năm 2020, dự báo sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Nhập khẩu tăng 150%
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại. Trong đó, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)...
Hiện nay, thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam đều đang chịu thuế tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Việt Nam chỉ cho phép nhâp khẩu thịt lợn từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước. Doanh nghiệp từ 19 nước này khi được Bộ NN&PTNT cho phép sẽ được xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam.
Theo cam kết với WTO và trong các FTA song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm).
Dùng thịt đông lạnh thay thịt “nóng”
Về tình hình sản xuất trong nước, theo Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Tính đến hết ngày 2/3/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Dự báo, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%, tương đương tăng 8,8% so với năm 2019. Tại vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại.
Về công tác bình ổn cung cầu trong nước, ngay từ thời điểm sau tết Nguyên đán, khi Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và dịch bệnh Covid-19 đang phát sinh, diễn biến ngày càng phức tạp tại Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách hiệu quả.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hiện nay, Bộ Công Thương đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường.
Vừa qua, ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là có dấu hiệu lan nhanh tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt lợn.
“Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, Bộ Công Thương nhận định.
Trước thông tin phản ánh trên báo chí về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 2/2/2020 của Văn phòng Chính phủ về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện một cách cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của việc tăng giá này. Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. |