Diễn biến trái chiều
Với những diễn biến khá trái chiều, vốn FDI vào Việt Nam năm 2018 đã không đi theo xu hướng quen thuộc của những năm trước đó. Trong khi vốn đăng ký mới năm 2018 có sự lên xuống trong từng tháng so với 2017 và chốt lại ở mức sụt giảm so với năm ngoái thì vốn giải ngân lại là điểm sáng của FDI trong năm qua. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài năm 2018 đạt 35,46 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2017; ở chiều ngược lại, vốn giải ngân ghi nhận con số kỷ lục khi đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Từ hai con số này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Điểm sáng của khu vực FDI 2018 chính là việc đã lập đỉnh mới trong giải ngân, đạt 19,1 tỷ USD, dù vốn đăng ký mới giảm. Bên cạnh đó, vốn giải ngân tăng cao, vốn đăng ký giảm cho thấy Chính phủ kiên định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và ưu tiên thu hút đối với những dự án công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, không thu hút bằng mọi giá như trước đây.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nguồn vốn FDI có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tuy nhiên không thu hút FDI bằng mọi giá. Chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ. “Năm 2018 Vĩnh Phúc đã nói không với một dự án có vốn đầu tư trên 400 triệu USD do nhà đầu tư không chứng minh được khả năng đảm bảo tuyệt đối rủi ro về môi trường, dù có thể đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế rất cao”, ông Lê Duy Thành cho biết.
Trong năm 2019, theo đánh giá của các chuyên gia, cộng đồng DN, thu hút FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều kỳ vọng tích cực. Một trong những bối cảnh cho sự kỳ vọng này chính là cuộc chiến thương mại đang ngày càng diễn biến phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Chia sẻ về điều này, ông Michael Kelly Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các DN Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. “Chúng tôi thấy rằng việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số DN đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng”, ông Michael Kelly khuyến cáo, đồng thời nhấn mạnh, với vai trò là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của thị trường này.
Kỳ vọng vào sự bùng nổ
Nhận định về cơ hội của Việt Nam trong năm 2019 liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam cho biết, vốn FDI của Đài Loan sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 và các năm tới khi các DN Đài Loan đẩy mạnh việc dịch chuyển nguồn vốn ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong số 47.000 dự án đang hoạt động tại Trung Quốc, nhiều chủ dự án có ý định dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài. Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư được cân nhắc.
Theo ông Thạch Thụy Kỳ, những lợi thế của Việt Nam được DN Đài Loan ưa thích chính là nguồn lao động giá rẻ, dồi dào và sự hội nhập sâu rộng mạnh mẽ của Việt Nam với hàng loạt các FTA. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, Đài Loan hiện đứng thứ 4 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Hiện Đài Loan có gần 2.600 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 31,44 tỷ USD.
Khẳng định vốn FDI dần dần sẽ tăng lên, tuy nhiên, dưới góc độ khác, chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là một tác động, nhưng sẽ không rõ nét. Lý do, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc rút hoạt động của một DN nào đó từ thị trường này sang thị trường khác thường không đơn giản như rút vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán, vì nó bao gồm cả nhà máy, lực lượng lao động, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị và cả hệ thống logistics đi theo để phục vụ cho sản xuất của DN FDI. Vì thế, khi rút lui dự án sẽ khiến DN chịu tổn thất rất lớn, vì thế không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có một xu thế dịch chuyển khác, đó là một số nhà đầu tư từ một số quốc gia trước đây họ sản xuất ở Trung Quốc, nhưng hiện nay sẵn sàng đầu tư một phần vào Việt Nam để giảm bớt đầu tư sản xuất và XK từ Trung Quốc, hoặc họ đầu tư sản xuất ở Việt Nam để XK vào Trung Quốc… Đồng quan điểm với nhận định này, ông Thạch Thụy Kỳ cũng cho rằng quá trình dịch chuyển nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiêu tốn thời gian, do đó trước mắt các DN Đài Loan sẽ đẩy mạnh các đơn hàng sang các DN Đài Loan ở thị trường khác, trong đó có Việt Nam, do đó, sẽ có thêm nhiều dự án của Đài Loan được mở rộng đầu tư tại Việt Nam.