Theọcsinhsửdụngmạngxatildehộihiệuquảbóng đá số lạco thống kê của những giáo viên làm công tác chủ nhiệm bậc trung học tại thị xã Đồng Xoài, mỗi lớp bình quân có 45 học sinh, trong đó có tới 41 em sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) với các ứng dụng Zalo, Facebook, Viber.... có thể “chat” (nhắn tin, nghe, gọi bằng hình ảnh và âm thanh) chiếm 97,8%, còn 4 em dùng điện thoại “cục gạch” hoặc không có. Cường độ sử dụng điện thoại thông minh với các ứng dụng nêu trên nhiều hơn mục đích tìm kiếm thông tin, kiến thức trên internet để phục vụ học tập (thú nhận của 27 trong số 36 em được hỏi sử dụng điện thoại chủ yếu vào mục đích gì?). Kết quả khảo sát 6 nhóm học sinh lớp 11, mỗi nhóm 5 em, chỉ có 1-2 em/nhóm biết các trang web hướng nghiệp và dạy kỹ năng sống, nhưng tất cả học sinh được hỏi đều có tài khoản Zalo, Facebook;... các em đều biết Facebook cá nhân của ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng... Đây là những con số đáng báo động về việc học sinh sử dụng mạng xã hội để “sống ảo”. Điều đáng nói là hệ lụy của việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội không đúng đã ảnh hưởng tới cuộc sống của học sinh, làm các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục đau đầu.
Sử dụng mạng xã hội văn minh, lịch sự, tích cực góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong giao lưu, tương tác cộng đồng. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) tại lễ tổng kết năm học (ảnh chỉ mang tính minh họa) - B.L
Năm 2016, 2 học sinh nữ của 1 trường THPT trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đã dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ 1 bình luận trên Facebook dẫn đến nói xấu nhau, cãi vã, chửi bới công khai. Sau đó, 2 học sinh nữ này hẹn gặp nhau “nói chuyện” nhưng lại đưa cả 2 nhóm bạn nam đến cuộc gặp. Hậu quả là 3 nam, 2 nữ vào bệnh viện, cả 2 học sinh đều bị đuổi học 1 năm. Cuối năm đó, một sự việc đau lòng khác xảy ra liên quan tới mạng xã hội Facebook. Em Đào Thị Thu, học sinh lớp 9, ở trường THCS huyện A (tên học sinh và trường đã được thay đổi) có quen và yêu 1 người qua tin nhắn trên Messenger - ứng dụng chat của Facebook. Hai bên trao đổi tin nhắn qua lại và gọi nhau là “vợ, chồng”. Một ngày, người kia gọi video yêu cầu được nhìn thấy Thu, nghĩ rằng người này vì “yêu” nên muốn nhìn thấy mình, Thu đã dại dột đồng ý và còn quay cả phòng riêng, nhà mình cho “người yêu” xem. Biết Thu cũng xinh xắn, lại con nhà giàu, người kia đã rủ Thu bỏ trốn để sống cùng nhau. Vì nhẹ dạ cả tin nên Thu đã đồng ý trốn cùng “người yêu”. Trưa hôm đó, sau khi đi học về, nhân lúc cha mẹ đi cạo mủ cao su về mệt, ngủ say, Thu lén trộm 9,3 triệu đồng tiền bán mủ của gia đình vừa lấy lúc sáng. Buổi chiều, cha mẹ Thu ngủ dậy, cứ nghĩ con đi học thêm như mọi hôm, đến khi phát hiện mất tiền, tối không thấy con về, gọi điện thoại không liên lạc được, kiểm tra định vị thấy vị trí của Thu ở Bình Thuận, cha mẹ Thu mới biết con mình bỏ nhà đi. Sau nhiều nỗ lực liên lạc không được, cha Thu lần theo vị trí định vị để tìm con. Khi cha em đến nơi thì đó là 1 căn nhà trọ tồi tàn. Số tiền Thu mang theo đã bị kẻ kia “giữ giùm” và bỏ đi hơn 1 ngày. Thu bị nhốt trong phòng với mấy gói mì, 1 thùng nước lọc để đợi “người yêu”. Thu được cha đưa về nhà nhưng chỉ đi học lại được 1 tháng 3 ngày thì nghỉ vì phát hiện có thai với gã “người yêu”. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ của người cha và những lời tâm sự hối hận muộn màng: Nghe con nói cần điện thoại có mạng để học tiếng Anh, gia đình cũng ráng mua cho cháu cái Oppo bằng cả tháng lương cạo mủ của tui, đâu ngờ...
Dịp đầu năm học này, 2 học sinh nam lớp 12 ở một trường THPT có tiếng tại thị xã Đồng Xoài hẹn nhau ra vành đai hồ Suối Cam “nói chuyện”. Sau vài câu qua lại, hai bên xông vào đánh nhau. Những bạn đi cùng không những không can ngăn mà còn thản nhiên dùng điện thoại ghi lại cảnh đó. Sau khi được người lớn can ngăn, 2 em thừa nhận do xích mích về một hình ảnh đăng trên Facebook. Đó là bức hình 2 em chụp chung vì đầu năm học muốn ghi lại làm kỷ niệm. Tuy nhiên em này đăng lên mà chưa hỏi ý kiến em kia. Rồi từ tình bạn thân thiết đã biến thành cuộc ẩu đả. Nếu không được can ngăn kịp thời, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Theo điều tra tại phòng giáo dục đạo đức học sinh của một trường THPT trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, hầu hết các cuộc xung đột vì mâu thuẫn đều bắt nguồn từ những lời lẽ, hình ảnh trên mạng xã hội. Điều đáng nói là trong số đó, nữ đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng nhiều hơn nam. Một thầy giáo được nhà trường giao nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh cho biết: Có em không hề hay biết lý do mình bị đánh chỉ vì 1 câu comment (bình luận) trên Facebook. Ngoài ra, nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội như công cụ để trút giận hoặc gửi thông điệp tới một ai đó mà không thể nói trực tiếp được. Cách này không hoàn toàn xấu nhưng điều đáng nói là các em dùng ngôn ngữ không chuẩn mực nên đã tự “bôi bẩn” lên mặt mình và rước họa vào thân.
Vấn đề này đang làm đau đầu bậc cha mẹ học sinh và các nhà trường. Đã có trường THPT cấm học sinh sử dụng điện thoại, đề nghị cha mẹ không cho con sử dụng điện thoại. Giải pháp này không mấy hiệu quả mà còn tạo cho học sinh thói quen nói dối. Thực tế, nhiều học sinh muốn được sử dụng ứng dụng mạng xã hội một cách đúng đắn. Thậm chí có học sinh còn đề xuất đưa vấn đề này vào đề văn nghị luận xã hội hoặc làm đề tài thảo luận trong sinh hoạt lớp. Cá nhân tôi cho rằng, đây là đề xuất hay vì nó xuất phát từ người trong cuộc. Bản thân tôi, thông qua công tác chủ nhiệm và giảng dạy cũng đã hướng dẫn học sinh cách sử dụng mạng xã hội sao cho văn minh, tích cực. Nhưng điều này đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ giữa các lực lượng, cùng giáo dục các em mới đạt được hiệu quả cao. Mong rằng, các bậc cha mẹ học sinh, các nhà giáo dục đồng hành với con trẻ trong việc sử dụng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay.
Thu Ngân