Quản lý trị giá hải quan là một lĩnh vực kỹ thuật nghiệp vụ đặc thù, giữ vai trò quan trọng then chốt trong hoạt động quản lý hải quan nói chung và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng. Quản lý trị giá hải quan là rất phức tạp do tính chất biến động của giá cả thị trường, do sự dàn trải, phân tán của các hoạt động kinh tế làm phát sinh chi phí ảnh hưởng đến giá cả và đặc biệt là phụ thuộc vào ý thức tuân thủ pháp luật của DN, cũng như năng lực quản lý của cơ quan hải quan.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, với tư cách là thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hải quan Việt Nam đã triển khai thực hiện đầy đủ Hiệp định thực thi Điều VII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT/WTO (gọi tắt là Hiệp định Xác định trị giá GATT) từ năm 2007 đến nay. Qua các thời kỳ, Tổng cục Hải quan đã có những đề án cải cách công tác quản lý trị giá để dần dần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống thực thi quản lý trị giá và nâng cao năng lực cho cán bộ công chức chuyên sâu lĩnh vực trị giá hải quan. Năm 2015, Bộ Tài chính đã phê duyệt, cho phép Tổng cục Hải quan triển khai Đề án nâng cao năng lực của hải quan trong lĩnh vực phân loại hàng hóa và trị giá hải quan (gọi tắt là Đề án 2015), qua đó đã có hàng loạt hoạt động cải cách như: sửa đổi văn bản pháp luật về kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, ban hành các quy trình nghiệp vụ kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, quy chế xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, thành lập và đào tạo nhóm chuyên gia về trị giá hải quan tại các cục hải quan tỉnh, thành phố… Theo bà Lê Như Quỳnh, sau hơn 7 năm triển khai Đề án 2015, bên cạnh những thành tựu đạt được thì hệ thống quản lý trị giá hải quan đã bộc lộ thêm những tồn tại cần được nghiên cứu, có giải pháp xử lý để bảo đảm tính hiệu quả của quản lý trị giá hải quan mà vẫn theo kịp tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích của quốc gia. Để cải cách thêm một bước đối với công tác quản lý trị giá hải quan nhằm đạt đến các chuẩn mực của thế giới và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tổ chức nghiên cứu triển khai Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan trong khuôn khổ chiến lược cải cách ngành Hải quan đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý trị giá hải quan để đáp ứng những yêu cầu hội nhập quốc tế, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số, từ đó đảm bảo hoạt động quản lý trị giá hải quan có hiệu lực, hiệu quả xuyên suốt qua các cấp quản lý và trong sự phối hợp giữa các khâu quản lý hải quan. Đánh giá tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh - chuyên gia Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ nhấn mạnh, là thành viên tích cực của WCO, cũng như WTO, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách quản lý trị giá hải quan theo chuẩn mực quốc tế. Việc tích cực triển khai xây dựng Đề án cải cách quản lý trị giá hải quan đáp ứng yêu cầu mới của hội nhập quốc tế, hiện đại, công nghệ và hải quan điện tử, USAID tin tưởng đề án này sẽ đảm bảo việc quản lý trị giá hải quan hiệu quả cũng như cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Đặc biệt, Đề án cải cách quản lý trị giá hải quan là một dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam, giúp ngăn chặn gian lận thương mại, hợp lý hóa thủ tục hải quan và quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, ông Vũ Ngọc Anh cho biết thêm./. |