VHO - Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035,ạochuyểnbiếnmạnhmẽtoàndiệntrongpháttriểnvănhóchung kêt c2 vào sáng 27.11. Nhiều đại biểu kỳ vọng, Chương trình sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa.
Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 gồm 4 Điều, trong đó Quốc hội quyết nghị, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình với mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Năm 2030 các ngành CNVH đóng góp 7% vào GDP
Chương trình đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đónâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài. Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đónhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, Chương trình sẽ đạt 9 nhóm mục tiêu gồm: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích). Phấn đấu các ngành CNVH đóng góp 7% GDP của cả nước; Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; 90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến; Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đến năm 2035, Chương trình sẽ đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể: Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả; 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành CNVH đóng góp 8% GDP của cả nước. Cùng với đó là các mục tiêu: Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật; 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; Hằng năm, có từ 10 - 15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; hằng năm, cóít nhất 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa
Trả lời phỏng vấn Văn Hóa, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, việc Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể hóa quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước, phát huy tối đa sức mạnh mềm để khẳng định vị thế quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với các mục tiêu rất cụ thể cùng với đó là các giải pháp căn cơ, toàn diện, có tính khả thi cao, chắc chắn Chương trình sẽ tạo ra những chuyển biến căn bản, to lớn, tạo động lực mạnh mẽ trong sựnghiệp phát triển văn hóa, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa, xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; truyền bá, lan tỏa và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa của dân tộc, đóng góp quan trọng vào sựnghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đặc biệt là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của đất nước.
“Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa và vai trò quan trọng của Quốc hội trong kiến tạo phát triển, quyết định các vấn đề lớn của đất nước”, đại biểu Nguyễn Hải Anh đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TP.HCM) cũng nhấn mạnh, văn hóa giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Văn hóa là động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước. Trong thời kỳ mới, văn hóa lại càng cần được khẳng định vị trí hơn bao giờ hết, nhất là khi phát triển bền vững đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia. Để đạt được điều đó, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa vào sự phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việc Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.
“Việc đầu tư Chương trình ởthời điểm này đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; góp phần tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nói. Đại biểu đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được xây dựng nhằm tạo bước chuyển toàn diện trong phát triển văn hóa, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với thời gian thực hiện dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn nên việc làm sao để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Đó là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện.
“Tôi cho rằng, Chương trình sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi quá trình thực hiện có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương; các mục tiêu đặt ra có tính khả thi và được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với ưu tiên cho các vấn đề cấp bách. Cùng với đó, cần có cơ chế khoa học, chặt chẽ về quản lý; phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, để đảm bảo kết quả của Chương trình đo đếm được trong thực tế. Sau khi được Quốc hội thông qua, tôi mong rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ thực sự tạo bứt phá để vị trí của văn hóa được đặt xứng tầm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu TP.HCM bày tỏ. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cũng nhấn mạnh, Chương trình được Quốc hội phê duyệt sẽ giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho con người là chủ thể phát triển văn hóa và nguồn lực về tài chính nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích đang có nguy cơ xuống cấp và mai một. Hiện chúng ta có rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang đứng trước nguy cơ xuống cấp và mai một, nếu không được bảo tồn kịp thời thì sẽ vĩnh viễn bị mất đi. Bên cạnh đó chúng ta cần phải rà soát lại các thiết chế văn hóa, xem cái nào phù hợp, cái nào cần nâng cấp hoặc cần điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.
“Thực tế cho thấy, nhiều thiết chế đã rời rạc do tác động của di cư, thiên tai, sáp nhập các đơn vị hành chính… Bên cạnh việc ban hành Chương trình mục tiêu này, chúng ta cũng cần phải có sự đột phá về thể chế, chính sách để văn hóa phát triển, như sức mạnh nội sinh vốn có”, đại biểu Thừa Thiên Huế cho biết.