【lich thi đau bd hom nay】Áp dụng chuẩn mực quốc tế vào báo cáo tài chính Việt Nam
Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp (DN) Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường quốc tế ngày càng gia tăng. Đặc biệt, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển vượt bậc, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, cần phải đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách ở Việt Nam.
Xây dựng Đề án IFRS thận trọng, đúng trình tự
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị, Bộ Tài chính đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo đề án.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số các quốc gia trên thế giới, khảo sát nhu cầu áp dụng IFRS tại các DN Việt Nam, nghiên cứu sự khác biệt giữa IFRS với pháp luật của Việt Nam, đánh giá tính khả thi và tác động của việc áp dụng IFRS đối với công tác quản lý nhà nước và các mặt của nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, IFRS có thể giúp rất nhiều trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư có thông tin chính xác hơn về tài chính và có thể huy động được các nguồn vốn mang tính chất toàn cầu. Đồng thời, IFRS cũng là một công cụ tạo nên ảnh hưởng to lớn cho các hoạt động kinh tế của tất cả các DN trong các quốc gia áp dụng IFRS, tùy thuộc vào việc áp dụng nó như thế nào.
Các chuyên gia cũng như các nhà xây dựng chính sách của Bộ Tài chính đều cho rằng, Đề án IFRS khi được triển khai sẽ mang lại các lợi ích trên nhiều khía cạnh, như: tạo dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, bởi đây là một trong các nhiệm vụ Bộ Tài chính được Quốc hội giao trong Luật Kế toán số 88/2015/QH13; là hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Việc xây dựng và ban hành Đề án IFRS sẽ thiết lập được hệ thống công cụ quản lý hữu hiệu phục vụ quá trình cải cách kinh tế, đồng thời tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đề án cũng nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công cuộc phòng chống tiêu cực, tham những, lãng phí; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.
Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng đáp ứng yêu cầu của các DN. Từ kết quả khảo sát do Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán thực hiện cho thấy, nhu cầu áp dụng IFRS ở Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở khối DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài hiện đang phải chuyển đổi báo cáo tài chính được lập từ 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS để đáp ứng yêu cầu của công ty mẹ ở nước ngoài. Đồng thời, một số DN niêm yết quy mô lớn ở Việt Nam có dự định niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế hoặc phát hành trái phiếu quốc tế cũng có nhu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS, để đáp ứng quy định của pháp luật nước sở tại. Ngoài ra, nhiều DN niêm yết cho biết việc áp dụng IFRS là yêu cầu của các nhà đầu tư, cổ đông chiến lược nước ngoài nên việc cho phép lập báo cáo tài chính theo IFRS là rất cần thiết để thu hút dòng vốn ngoại có chất lượng cao...
Tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án IFRS của Bộ Tài chính có ghi rõ: “…việc áp dụng IFRS tại Việt Nam và ban hành mới hệ thống báo cáo tài chính Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế (VFRS) là rất cần thiết và mang tính tất yếu, khách quan, tạo bước ngoặt căn bản cho công tác tài chính, kế toán tại DN, mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững”.
Lộ trình áp dụng IFRS 2 giai đoạn
Theo Bộ Tài chính qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương án áp dụng IFRS tại các quốc gia có sự khác biệt. Tại một số nước châu Âu, việc áp dụng bắt buộc IFRS được thực hiện ngay cho cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, việc tiếp cận với IFRS thận trọng hơn bằng cách chia ra các giai đoạn tự nguyện áp dụng và bắt buộc áp dụng.
Tại Việt Nam, do năng lực DN có phần hạn chế hơn các nước có nền kinh tế phát triển nên cần tiếp cận theo hướng thận trọng áp dụng từng bước của các quốc gia châu Á, để tránh những tác động không mong muốn. Như vậy, để đảm bảo tính khả thi và DN có đủ thời gian chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng lại hệ thống quản trị, thông tin thì việc áp dụng IFRS cần chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025 - giai đoạn tự nguyện áp dụng IFRS. Giai đoạn này sẽ hướng đến việc cho phép DN tự nguyện áp dụng. Theo đó những DN lớn có nhu cầu, đủ khả năng, điều kiện về nguồn lực sẽ tự nguyện áp dụng IFRS trước để rút kinh nghiệm chung cho các DN khác.
Giai đoạn 2 sau năm 2025 – giai đoạn bắt buộc. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính sẽ quy định rõ đối tượng bắt buộc và đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS theo từng nhóm DN cụ thể, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại thời điểm đó. Riêng lộ trình áp dụng của khối ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ do Ngân hàng Nhà nước quy định dựa trên tổng thể lộ trình chung để phù hợp với Đề án tái cấu trúc ngân hàng.
Đức Minh