Năm 2020,n hbảng xếp hạng bóng đá thụy sĩ sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào, TP Hạ Long trở thành đô thị loại I lớn nhất cả nước, “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại không ít thách thức cho thành phố khi phải giải quyết những bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái... Để hóa giải mâu thuẫn gắn với thực tế quản lý phát triển đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương lập đồ án quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 trên quan điểm, mục tiêu là lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, phát triển đô thị Hạ Long mới theo mô hình đa cực.
Mở rộng không gian phát triển cho thành phố thủ phủ
Sở hữu Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, những năm qua TP Hạ Long không chỉ được biết đến là thủ phủ, đô thị phát triển năng động nhất của tỉnh, mà còn trở thành "mảnh đất vàng" thu hút các nhà đầu tư, tâm điểm du lịch nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế. Để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của TP Hạ Long, ngày 7-6-2019 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg "Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050" (Quy hoạch 702).
Với định hướng phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long... Quy hoạch 702 đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực, từ kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đến không gian phát triển. Trong đó, những điểm nhấn là: Ranh giới hành chính thành phố được mở rộng với tổng diện tích tự nhiên gần 28.000 ha (gồm vị trí hiện có và các khu vực lân cận huyện Hoành Bồ cũ, TX Quảng Yên, TP Cẩm Phả). Về cấu trúc, thành phố sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển Vịnh Hạ Long.
Hiện thực hóa Quy hoạch 702, thành phố đã nhanh chóng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển. Bên cạnh đó, thành phố tập trung ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thiết yếu, hạ tầng du lịch - dịch vụ quy mô lớn, hệ thống khu vui chơi, mua sắm, nhà hàng, bến du thuyền... TP Hạ Long ngày càng phát triển, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Nhưng do đặc thù của thành phố ven biển, sự góp mặt của hàng loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cũng từ sự phát triển này, về cơ bản Hạ Long không còn nhiều dư địa về không gian phát triển, quỹ đất khả dụng cho phát triển kinh tế - xã hội đã gần hết, không có vùng đệm về hậu cần, vệ tinh đủ lớn... Dẫn đến khó có thể thu hút và xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Trong khi đó, để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu đặt ra thì thủ phủ Hạ Long cần một sự bứt phá mạnh mẽ để tạo sự lan tỏa, lôi kéo phát triển các cực tăng trưởng trong tỉnh.
Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển và nhu cầu của các địa bàn lân cận, ngày 17-12-2019, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, chính thức sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Từ sự kiện lịch sử này, TP Hạ Long đã mang một tầm vóc mới, trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích, quy mô dân số và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo rất rõ, cụ thể từng nội dung công việc cần triển khai thực hiện trên quan điểm, tinh thần chung là phát triển Hạ Long trên một tầm cao mới, với những định hướng phát triển mới xứng tầm với lợi thế, như: Mở rộng không gian đô thị về phía bắc Vịnh Cửa Lục để Vịnh Cửa Lục là trung tâm cho định hướng phát triển không gian, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị theo tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế; hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình đô thị cạnh tranh đa cực.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Hạ Long đã rà soát lại quy hoạch chung của 2 địa phương trước khi sáp nhập cho thấy, đang có một số mâu thuẫn từ đồ án quy hoạch cũ với thực tế quản lý phát triển đô thị mới. Đơn cử như khu vực phía Bắc cần được khai thác để phát triển du lịch, nhưng trong Quy hoạch 702 và các quy hoạch trước đây chưa được đề cập. Hay như với định hướng mới là đưa khu vực phía bắc Vịnh Cửa Lục đóng vai trò là khu vực phát triển đặc biệt của tỉnh và góp phần hoàn thiện không gian, chất lượng đô thị của thành phố, thì cần quy hoạch hạ tầng đồng bộ, không gian sinh thái hiện đại với các cơ chế chính sách quản lý minh bạch, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững về dài hạn. Về kết nối hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng để khai thác các lợi thế cạnh tranh, thì cần đầu tư các tuyến giao thông kết nối về phía bắc thành phố (xã Kỳ Thượng), kết nối với huyện Ba Chẽ, kết nối với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), kết nối với QL4B (đi tỉnh Lạng Sơn)...
Trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, TP Hạ Long vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, như: Tăng trưởng trong du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp và xây dựng còn rất nhiều dư địa; phát triển kinh tế ban đêm chưa đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, dịch vụ; các KCN chưa phát huy tối đa hiệu quả, hiệu suất sử dụng đất thấp, công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa rõ nét, còn thiếu cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ tập trung. Các vấn đề về môi trường, trật tự đô thị chưa được giải quyết triệt để; tỷ lệ bao phủ quy hoạch thấp; hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu; hạ tầng khu dân cư chưa đồng bộ…
Đô thị xanh, thông minh và đa cực
Theo dự báo, đến năm 2040, TP Hạ Long có khoảng 800.000-830.000 người, đón khoảng 30-32 triệu lượt khách du lịch. Trên cơ sở quy mô dân số, lao động, hiện trạng phát triển đô thị, chỉ tiêu đô thị loại I, diện tích quỹ đất phát triển du lịch dự báo khoảng 1.800-2.000 ha; đất đơn vị ở xây mới khoảng 2.400-2.500 ha; đất công cộng đô thị khoảng 300-400 ha; đất giao thông đô thị khoảng 1.600-1.800 ha; đất KCN khoảng 1.500-2.000 ha.
Để tìm ra các định hướng chiến lược, làm động lực phát triển Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương (Công văn số 384/TTg-CN, ngày 26-3-2021) lập Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long).
Để đảm bảo kết nối không gian phát triển, đảm bảo sự gắn kết phát triển của cả tỉnh, hướng tới đô thị xanh, thông minh, trên cơ sở kế thừa Quy hoạch 702 và bảo đảm có tính đột phá, trong giai đoạn tới, TP Hạ Long sẽ phát triển theo mô hình 5 cực, 1 hành lang, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Cụ thể, vùng I (Vịnh Hạ Long) được quy hoạch bảo tồn phát triển theo từng dự án riêng, mở rộng không gian phát triển gắn với Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà thành không gian di sản thiên nhiên đặc sắc. Việc mở rộng không gian dựa trên các nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, kiểm soát phát triển các công trình kiến trúc cao tầng ven Vịnh, công trình tại các khu vực đồi núi, đặc biệt kiểm soát các nguồn thải làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường Vịnh.
Vùng II (phía đông) bao gồm 13 phường phía đông, diện tích tự nhiên khoảng 10.000 ha, sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố và đô thị dịch vụ - du lịch. Vùng III (phía tây) gồm 7 phường còn lại, diện tích tự nhiên trên 13.000 ha, sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, đô thị dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ cảng và công nghiệp công nghệ cao, trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng. Vùng IV (phía bắc Vịnh Cửa Lục) gồm phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi, xã Thống Nhất, xã Vũ Oai, xã Sơn Dương, diện tích gần 9.000 ha, sẽ trở thành khu dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, khu dự trữ phát triển, các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh. Vùng V (đồi núi phía bắc) gồm các xã Sơn Dương, Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Vũ Oai, Hòa Bình, diện tích trên 75.000 ha, sẽ là khu bảo tồn sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái cộng đồng.
Đồng thời, thành phố sẽ dành quỹ đất dự trữ để bố trí các công trình cấp vùng; di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị. Để tạo không gian xanh, làm giàu vốn rừng cho thành phố, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn sẽ được chú trọng thông qua việc không nghiên cứu thực hiện dự án Khu đô thị tại 2 lô đất hai bên đường vào Tuần Châu, khu vực phía đồi đoạn từ nút giao Minh Khai đến Bãi Cháy... Đồng thời, kết hợp cùng khu vực hồ Yên Lập để nghiên cứu tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Về chức năng đô thị, thành phố sẽ nghiên cứu theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và có sức chống chịu cao; đô thị thông minh có tính dẫn dắt của kinh tế số, xã hội số.
Đánh giá về chiến lược phát triển đô thị mới của TP Hạ Long, Bộ Xây dựng cho rằng: Việc Hạ Long mở rộng không gian theo hướng đa cực là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị hiện đại. Điều này không những giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương, mà còn tạo sức thu hút người dân từ nơi khác đến. Mặt khác, vừa giúp giãn dân ở khu vực trung tâm, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Hoành Bồ mới, nơi mà còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Trong tương lai gần, Hạ Long sẽ trở thành hạt nhân của thành phố trực thuộc trung ương, qua đó góp phần tạo sức sống mới, động lực mới, mở ra không gian phát triển rộng lớn, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng. Dự kiến cuối năm nay, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050”, đây sẽ là quy hoạch “xương sống” cho hành trình kiến tạo Hạ Long trở thành một đô thị đa cực và cũng là "cơ hội vàng" để Hạ Long có đủ thế và lực phát triển đồng bộ, xứng tầm là một thành phố trực thuộc trung ương, một thành phố xanh bên bờ Di sản.