Năm 2014, các bộ, ban ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TK, CLP) và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm cho ngân sách 15.263 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm trong quản lý, sử dụng NSNN là 8.040 tỷ đồng và tiết kiệm đầu tư xây dựng là 7.223 tỷ đồng. Tiết kiệm ngân sách 15.263 tỷ đồng Chính phủ đã điều hành, sử dụng ngân sách Nhà nước linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm, cơ bản đã bảo đảm chi ngân sách Nhà nước đúng mục tiêu, nội dung chi trong phạm vi dự toán được giao và chế độ, định mức quy định. Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước 8.040 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng 7.223 tỷ đồng. Một số bộ, ngành có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông vận tải (480.522 triệu đồng); Bộ Quốc phòng (290.947 triệu đồng); Bộ Tư pháp (86.729 triệu đồng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (50.719 triệu đồng). Khối doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đó cũng đã bổ sung các định mức kỹ thuật về tiêu hao nguyên vật liệu, định mức lao động, tiền lương, sử dụng máy móc và tiết kiệm được 11.129 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số tiết kiệm đạt và vượt kế hoạch đặt ra như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3.613 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch); Tập đoàn Viễn thông quân đội (2.224 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (537 tỷ đồng). Giải ngân 97,3% kế hoạch vốn Lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng năm 2014 có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án quan trọng quốc gia hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường trong tất cả các khâu, ưu tiên xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhiều giải pháp đồng bộ cũng được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tập trung vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, qua đó, đã sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực và đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý đầu tư công. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình. Đến 31-12-2014, tổng số vốn giải ngân trong năm 2014 là 334.132 tỷ đồng, trong đó lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước ước đạt 300.669,4 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch vốn. Cụ thể, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước là 164.174 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ là 84.491,1 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch; giải ngân các nguồn vốn khác là 54.004,3 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch. Cả nước đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 46.796 dự án hoàn thành, qua thẩm tra đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 2.299 tỷ đồng.
|