Chọn công nghệ là đột phá cho nhiệm kỳ tới
Tập trung vào chủ đề chuyển đổi số,ácquốcgiahóarồnghóahổđềudựavàotinhthầmainz – augsburg Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đó là các đột phá như: đưa mọi hoạt động lên môi trường số toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoàn toàn mới, thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ càng dùng càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên và công nghệ phát triển.
“Làm cho những người nghèo nhất có thể tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ. Đồng thời mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi DN nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thúc đẩy mọi người có thể kinh doanh và làm giàu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, để đẩy nhanh chuyển đổi số thì hạ tầng số phải đi trước. Đó là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi gia đình một đường internet cáp quang tốc độ cao, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số.
“Chuyển đổi số cần đầu tư nhưng không nhiều, khoảng từ 1 - 1,5% ngân sách hàng năm và 10% số này là dành cho an toàn an ninh mạng. Nền tảng số nào hiệu quả, giá thị trường là bao nhiêu thì có thể tham vấn Bộ TT&TT. Thuê dịch vụ, hạ tầng là cách tiếp cận tốt hơn là tự đầu tư, tự khai thác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các bộ ngành, địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế xã hội, thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số toàn dân và toàn diện.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội 13 của Đảng đã đặt ra khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển cao thu nhập cao vào năm 2045. Báo chí truyền thông ở cả trung ương và địa phương nhận thấy trách nhiệm, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên. Bởi tất cả các quốc gia đã hoá rồng, hoá hổ thì đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.
6 năm qua không có bong bóng bất động sản
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2020, ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%, cao nhất trong các ngành kinh tế. Tỷ lệ đô thị hoá vượt mục tiêu, trong 5 năm có 7 đô thị mới, hiện nay cả nước đã có 862 đô thị và phân bố đồng đều trên cả nước, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, 6 năm qua, hầu như không có bong bóng bất động sản dù đã thu hút 17 tỷ USD vốn FDI, chúng ta đã có nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực. Công tác sản xuất vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh, nhiều công trình tỷ lệ nội địa hoá đã đạt đến 90 - 100%, nhiều vật liệu cạnh tranh ngang ngửa với thế giới.
"Có thể tự hào nói rằng hiện ngành xây dựng hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành xây dựng cũng thừa nhận còn những hạn chế về chất lượng phát triển đô thị, quy hoạch, trật tự đô thị và bản sắc chưa rõ trong kiến trúc đô thị và nông thôn.
Về nhiệm vụ của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới các vấn đề về quy hoạch đô thị, vốn đầu tư cho hạ tầng và hạ tầng cần hướng tới kết nối vùng, triển khai Luật Kiến trúc, dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, doàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Trả lời các đề xuất của địa phương về đề nghị Bộ phê quyệt quy hoạch đô thị và tháo gỡ vướng mắc pháp luật để triển khai các dự án bất động sản, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu và có văn bản gửi từng địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát ở mức 4%
Về lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, bởi vậy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Đó là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu; tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả..
Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ thế giới và trong nước để phản ứng kịp thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ thanh khoản cho nền kinh tế; sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát bình quân khoảng 4% theo mục tiêu của Quốc hội.
"Tiếp tục thực hiện tốt các mặt hoạt động khác để nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn cho nền kinh tế; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ", Thống đốc NHNN cho biết.
Dương An