Bảng điện tử niêm yết các chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. |
Các thị trường Tokyo, Hong Kong, Sydney, Seoul, Singapore, Wellington, Taipei, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng, trong khi Thượng Hải và Manila giảm.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,8% lên 26.246,31 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,87% lên 21.559,59 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,75% lên 2.408,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.306,72 điểm.
Trong khi các sàn giao dịch tại Mỹ đóng cửa nghỉ lễ, các thị trường trên khắp châu Âu tăng mạnh ít nhiều tạo lực đẩy và hoạt động mua vào cũng hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có tâm lý lo ngại khi nhận định khả năng lãi suất tăng mạnh trên khắp thế giới sẽ khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Sự chú ý trong tuần này được hướng đến hai ngày điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, trước Quốc hội, để có thông tin về các kế hoạch của Fed trong việc kiểm soát lạm phát.
Fed thông báo tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tuần trước, sau khi số liệu lạm phát được công bố vài ngày trước đó vượt dự báo, tăng lên mức cao nhất trong bốn thập niên.
Nhà phân tích Stephen Innes tại SPI Asset Management, cho rằng ông Powell được cho là sẽ không điều chỉnh chính sách và có thể nhắc lại quan điểm của Fed trong việc dựa trên số liệu để đưa ra các quyết định.
Tuy nhiên, dù biến động thị trường trong tuần trước đã qua, kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất của các ngân hàng có thể gây ra những biến động mới.
Một số quan chức, trong đó có các quan chức Fed, Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng Dự trữ Australia và Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã phát đi tín hiệu sẽ tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 21/6, VN-Index giảm 7,93 điểm (0,67%) xuống 1.172,47 điểm. HNX-Index giảm 3,3 điểm (1,23%) xuống 264,62 điểm.