Hoạt động Amazonas,àInterpolhỗtrợPeruchốngbuônlậugỗkeonha diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5-2014, được thực hiện bởi Hải quan Peru (SUNAT), WCO và Interpol. Ngoài ra còn có sự tham gia của các cơ quan thực thi pháp luật và hải quan của Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Mexico và Peru cùng với Văn phòng Trung tâm quốc gia của INTERPOL tại Brazil và Peru, Văn phòng Khu vực của Interpol tại Argentina và El Salvador.
Các cơ quan chức năng đã hướng mục tiêu vào các lô hàng gỗ xuất khẩu của Peru từ các cảng khác nhau và qua biên giới đất liền với Brazil, tiến hành kiểm soát và trao đổi thông tin tình báo. Kết quả thu giữ ước tính hơn 15.000 m3 gỗ. Đồng thời thu giữ 2 tàu chở gỗ và 1 máy sử dụng khai thác gỗ trái phép.
Tổng thư ký WCO Kunio Mikuriya cho biết, hoạt động buôn bán gỗ trái phép là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng phá rừng và nóng lên toàn cầu, do đó các cơ quan thực thi pháp luật và hải quan cần phải hành động và hành động ngay để chống lại nạn buôn lậu nguy hiểm này nhằm giảm sự hủy hoại môi trường. Thêm vào đó, ông Kunio Mikuriya đánh giá cao Hải quan Peru trong việc dẫn đầu hoạt động Amazonas, cũng như tất cả các đối tác tham gia vào hoạt động này, trong đó có Interpol, cơ quan bảo vệ rừng Peru (OSINFOR) và Hải quan Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Mexico và Peru.
Hoạt động Amazonas là sự hợp tác đầu tiên giữa WCO và Interpol nhằm chống lại tội phạm rừng, được triển khai sau khi Hải quan Peru thu thập được các thông tin tình báo liên quan đến mạng lưới tội phạm có tổ chức trong khai thác trái phép, mua bán và sử dụng giấy tờ cấp phép giả mạo để kinh doanh gỗ bất hợp pháp và xuất khẩu gỗ sai chủng loại.
Giám đốc điều hành của Interpol, ông Jean-Michel Louboutin cho biết, thông qua nỗ lực trong hoạt động Amazonas, các cơ quan thực thi pháp luật và hải quan châu Mỹ La tinh đã chứng minh cam kết của mình trong việc bảo vệ rừng trên thế giới và ngăn chặn các nhóm tội phạm kiếm lời từ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Người đứng đầu bộ phận an ninh môi trường của Interpol ông David Higgins cho rằng, mặc dù hoạt động này đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn công việc quan trọng trước mắt mà cơ quan thực thi pháp luật cần tiếp tục điều tra và xác định mạng lưới tội phạm đằng sau các vụ buôn bán gỗ trái phép. Ông David Higgins cũng nhấn mạnh, để chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép và tội phạm rừng đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu và Interpol hoan nghênh Peru đã dẫn đầu hoạt động này.
Chính phủ Peru ước tính nạn khai thác gỗ trái phép chiếm 40-60% tổng số các vụ khai thác diễn ra trong cả nước. Thiệt hại do khai thác gỗ bất hợp pháp ước tính hơn 250 triệu USD mỗi năm, tương đương 1,5 lần giá trị ngành công nghiệp gỗ hợp pháp của Peru.
Theo giám đốc Kiểm soát Hải quan Peru, ông Gustavo Romero hoạt động này đã cho thấy phương thức mà các nhóm tội phạm có thể xuất khẩu gỗ ra khỏi Peru không cần giấy phép. Việc phối hợp với Interpol và các tổ chức cấp quốc gia và quốc tế giúp Peru đạt được những kết quả khả quan và chống lại các tổ chức tội phạm có liên quan đến ngành công nghiệp gỗ tốt hơn.