【lịch ligue】Đong đầy tình thương nơi Quán chay 1.000 đồng
(CMO) Với 1.000 đồng có lẽ sẽ rất khó mua được gì ở thời buổi này. Thế nhưng, một quán chay ở Phường 7, TP. Cà Mau lại phục vụ một phần cơm đảm bảo dinh dưỡng và no bụng chỉ với ngần ấy tiền.
Nằm nép dưới chân cầu Huỳnh Thúc Kháng, trước mặt là con sông Gành Hào, dù nơi đây đang thi công bờ kè, không mấy người buôn bán, qua lại, quán nhỏ ngang chừng 3 m nhưng Quán chay Bồ đề Tâm Ngọc Cà Mau luôn đông người. Người đến ăn hay mua cơm về, người xăng xái phụ việc. Quán ngập tiếng cười nói, hỏi thăm và cả những ánh mắt đầy yêu thương dành cho nhau giữa người ăn - người bán.
Ngày đầu tiên
14/12 - ngày khai trương quán chay Bồ đề Tâm Ngọc Cà Mau (số 248, đường Phan Bội Châu, Phường 7, TP. Cà Mau), đã có rất đông người lao động, công nhân, học sinh đến đây. Ai cũng ngạc nhiên, vui mừng vì vơi bớt những lo toan, bởi một phần cơm chỉ có 1.000 đồng.
Tan trường, nhiều em học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đến đây ăn cơm. |
Là công nhân bốc xếp hàng hoá chợ Phường 7, hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình 5 người của anh Liên Hoàng Duy phải sống chen chúc trong phòng trọ ở cầu Huỳnh Thúc Kháng. Mỗi tháng, tiết kiệm lắm thì chi phí sinh hoạt cho cả nhà cũng hơn 3 triệu đồng. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Liên Hoàng Duy cùng vài người anh em công nhân đến quán chay ăn cơm.
Anh Duy vui mừng: “Làm công nhân thu nhập không được bao nhiêu nên nhiều khi không dám nghĩ đến bữa cơm trọn vẹn. Giờ biết quán cơm này, tôi rất mừng, vì có thể được no bụng mà vẫn tiết kiệm tiền dành lo cho gia đình. Thật sự quán ăn này như tiếp thêm động lực mưu sinh cho những người nghèo khó như chúng tôi”.
Em Trần Tiểu Long, học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Lạc Long Quân chia sẻ: “Cha con đi bán trái cây, còn mẹ thì làm móng dạo. Hai anh em con đi học về đến đây ăn cơm ngày đầu tiên được miễn phí, cơm rất ngon, có nhiều món, có thể tiết kiệm tiền sinh hoạt cho gia đình con nên con rất vui và cám ơn các cô chú”.
Trong ngày đầu tiên, chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, quán đã bán được hơn 300 suất cơm. Tuy mỗi phần cơm chỉ có 1.000 đồng, nhưng tất cả nguyên vật liệu từ gạo đến rau củ đều được chọn lựa kỹ càng và đảm bảo. Thực đơn phong phú, từ các món kho, chiên, xào, canh đến nước giải khát.
Những ngày cuối tháng 12...
Cứ đến 10 giờ 30 và 11 giờ 30 là lúc cao điểm quán đông khách, khi học sinh và công nhân, lao động tan ca, có khi không đủ chỗ ngồi nên mua hộp mang về. Quay lại quán đến 3 lần vì có thêm “khách” đặt mua, anh Nguyễn Văn Huy, đoàn viên phường Tân Thành, có “nhiệm vụ” mua cơm giúp cho 20 em có hoàn cảnh khó khăn ở trường Tiểu học Tân Thành sau giờ tan trường.
Anh Huy cho biết: “Sau lần đầu tiên mua về ăn, nhiều em đặt tôi mua dùm. Suất cơm vừa rẻ, vừa ngon nên các em có thể dành dùm lại tiền để mua đồ dùng học tập”.
Chị Nguyễn Thị Thuý Lam (Phường 2, TP. Cà Mau) cho rằng: “Mỗi phần cơm tuy chỉ có 1.000 đồng nhưng rất ngon, mọi người trong quán ai cũng nhiệt tình, vui vẻ vì việc đang làm xuất phát từ cái tâm. Nơi đây phục vụ không chỉ những người lao động nghèo, người có thu nhập thấp, mà mọi người ai cũng có thể đến đây ăn, những người thấy hài lòng và muốn chia sẻ thì có thể trả và góp nhiều hơn theo lòng hảo tâm của mình”.
Chị Nguyễn Thị Thuý Lĩnh (chủ quán chay An Lạc (Phường 2, TP. Cà Mau) cho hay: “Hiện nay thì nhu cầu ăn chay để thanh tịnh và bảo vệ sức khoẻ rất được nhiều người quan tâm. Nhất là trong những ngày đầu tháng, rằm và cuối tháng. Quán có 2 cái khó là thiếu nhân lực phục vụ và mặt bằng quán còn nhỏ, chỉ đủ chỗ cho khoảng 30 người ngồi cùng lúc tại quán, nên khi thấy hết chỗ thì mọi người mua phần cơm mang về. Có nhiều người lao động nghèo vẫn bỏ số tiền nhiều hơn 1.000 đồng để giúp quán duy trì vì họ cảm thấy phần cơm xứng đáng và họ có thể san sẻ cho những người khó khăn hơn hay”.
Cho đi là hạnh phúc
Quán chay hoạt động mỗi ngày, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa (trừ những ngày 15, 30 và mùng 1 âm lịch) để giúp những người lao động sau khi xong công việc có thể ghé vào quán ăn hoặc mua về, tiết kiệm chi phí và thời gian để nghỉ ngơi.
Quán do sư thầy Thích Huệ Quang, trụ trì Thiền Viện Pháp Hoa (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cùng gia đình chị Nguyễn Thị Thuý Lĩnh cùng bắt tay mở ra nhằm phục vụ cho những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên. Hiện tại, đây là quán thứ 25 trong hệ thống quán chay 1.000 đồng và hơn 320 quán từ 1.000-8.000 đồng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Khi được hỏi vì sao là 1.000 đồng mà không phải là 10.000 đồng hoặc miễn phí, sư thầy Thích Huệ Quang chỉ cười: “Lấy 1.000 đồng là để tượng trưng thôi, vì để những người lao động nghèo không mặc cảm khi bước vào quán, giúp họ cảm nhận được sự san sẻ, động viên từ cộng đồng, xã hội để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.
Từ khi bắt tay chuẩn bị mở quán đến nay chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng quán đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ và chia sẻ từ rất nhiều nhà hảo tâm cũng như những người đồng hành. Chi phí để mở quán chay khoảng 80 triệu đồng, riêng mặt bằng 3 triệu/tháng. Còn lại nhân lực phục vụ trong quán là những người tình nguyện, họ đều có công việc, gia đình riêng, nhưng với tấm lòng thiện nguyện nên đến đây giúp đỡ quán từ những ngày đầu chuẩn bị.
Cô Hồ Thị Hà (54 tuổi, Phường 7, TP. Cà Mau) chia sẻ: “Mình qua đây phụ quán vừa thấy khoẻ hơn, vừa được trò chuyện với nhiều người và việc mình làm cũng góp một phần nhỏ để giúp nhiều người đến đây có phần cơm no bụng, ấm long”.
Nếu như ngày đầu khai trương, quán chỉ có 5 người phụ giúp chính thì nay đã có nhiều người tình nguyện đến phụ giúp quán hơn. Thấy anh mặc áo sơ mi trắng lạ lạ, tôi lại hỏi thăm thì anh nhất quyết không cho biết thông tin, chỉ cười bẽn lẽn rồi lau dọn bàn ghế, bưng bê cơm ra cho khách.
Nhiều người tình nguyện đến quán phụ giúp mà không cần ai biết “danh tính”. |
Chị Lĩnh cười: “Anh này đến đây phụ cũng mấy lần rồi mà chưa ai biết tên ảnh. Cũng có vài người như ảnh, đến đây rất nhiệt tình, vui vẻ lắm mà không cần cho ai biết tên gì, ở đâu, làm công việc gì. Hoặc có nhiều người có rau củ, gạo, nước tương cũng đem đến cho mà không nệ xa gần”.
Vừa mới nói thì có một anh ở Ban Từ thiện đến gần hai chục chai nước tương, chút nữa thì có anh ở Phường 7 khệ nệ xách bọc cà chua gần chục kí đến cho rồi gấp gáp đi về để “còn kẹt công chuyện nhà”. Vậy là dù có người không bận bịu, nhưng cũng có nhiều người kẹt chuyện nhà, con cái, công việc, nhưng khi biết được đây là địa chỉ, là nơi san sẻ được những gì mình có cho những người còn thiếu thốn và vất vả mưu sinh thì họ sẵn lòng mang tới.
Chị Lĩnh tâm sự: “Gia đình mở quán chay An Lạc từ năm 1987, đến nay đã 32 năm. Thật ra chị ấp ủ mở một quán chay để giúp đỡ người nghèo từ rất lâu nhưng chưa có sự đồng hành để thực hiện. Khi được đi nhiều, học hỏi nhiều thì mình thấy có rất nhiều sẵn sàng góp sức để làm việc có ích cho xã hội. Vì vậy quán chay 1.000 đồng này được mở ra không phải của cá nhân gia đình chị có thể thực hiện được mà sự chung tay của rất nhiều người cùng chung suy nghĩ và cùng chung tấm lòng thiện nguyện”.
"Có người không có tiền trả tiền cơm hay chai nước, các cô chú vẫn vui vẻ lấy tiền mình ra cho họ để vào thùng quỹ của quán, trả tiền nước. Cũng có một số người với dáng vẻ sang trọng dẫn con mình vào quán, vừa ăn vừa với con về ý nghĩa của quán và không quên dạy cho chúng cách trân trọng những bữa cơm, cặp, sách, quần áo đi học mà chúng có được là điều rất may mắn so với nhiều em nhỏ tay chân trần, tóc cháy xém, da đen nhẻm bán vé số đến đây ăn cơm. Các em cũng hỏi cha mẹ chúng rất nhiều, và ăn cơm xong vẫn không quên xin tiền để vào thùng phước thiện", chị Lĩnh kể.
Những người như chị Lĩnh hay những người tình nguyện trong xã hội ngày nay không thiếu, nhưng để suy nghĩ thành hành động thì rất cần những thông tin, tín hiệu kết nối và chung tay đồng hành để sẻ chia. Giữa sự phát triển không ngừng của một thành phố trẻ lại có một nơi để chúng ta thấy lòng nhân ái vẫn luôn hiện hữu. Những người đến đây không đơn thuần là được ăn một phần cơm ngon, rẻ, mà còn để thấy cuộc sống này còn nhiều điều tốt đẹp khi được cho và nhận yêu thương./.
Mơ Thảo