Nhiều người thành phố bây giờ có xu hướng thích ăn đồ quê,ọtngàokemmúttuổithơkết quả bóng đá colombia hôm nay sống kiểu quê, một phần vì thấy nhớ hương vị ngày xưa, một phần vì muốn có cảm giác thoát khỏi cuộc sống hiện đại quá xô bồ, áp lực.
Cách đây không lâu, tôi nhìn thấy xe kem mút giữa một khu đô thị náo nhiệt ở thủ đô. Chỉ khác ở chỗ chiếc xe chở thùng kem là xe máy. Không rõ thùng kem của người đàn ông ấy có đắt hàng hay không nhưng chắc chắn nó sẽ gợi nhớ tuổi thơ của biết bao thế hệ 7X, 8X, 9X cách đây 20-30 năm.
Thời chúng tôi còn bé tí, kem mút đã là một thứ quà quê quen thuộc, làm mê đắm tất cả những đứa trẻ quê giữa ngày hè oi ả. Bây giờ, trẻ con được ăn kem quanh năm, nhưng ngày xưa ở quê, chỉ mùa hè người ta mới làm kem bán. Cứ khoảng 10h sáng trở đi là xe kem mút bắt đầu len lỏi tới từng ngõ xóm cho đến giữa trưa.
Thứ âm thanh quen thuộc có lẽ không ai có thể quên là tiếng còi toe toe phát ra từ quả bóng cao su gắn với tay cầm làm bằng đồng hoặc sắt. Mỗi khi thứ âm thanh đó vang lên từ đầu ngõ là mỗi đứa trẻ mừng vui như mẹ vừa đi chợ về.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khấp khởi mỗi khi tiếng toe toe đi dọc con ngõ nhỏ. Hai chị em tôi lại lục lọi khắp nhà để gom sắt vụn, vỏ chai ra đổi kem. Thời ấy, chúng tôi được ăn những chiếc kem mát lạnh chủ yếu là nhờ đổi đồng nát, chứ rất ít khi có tiền để mua. Những món đồng nát để đổi kem phổ biến nhất là vỏ chai nhựa, sắt vụn, dép nhựa đứt quai…
Cũng có những hôm muốn ăn kem mà nhà chẳng còn món đồng nát nào, hai đứa lại cầu cứu bà nội, xin bà cho vài đồng mua kem. Kem mút quê tôi chỉ có 2 loại - một loại giá 100 đồng, cứng như đá, nhạt hơn, ăn chủ yếu cho mát; loại kia 200 đồng/chiếc, ăn là thấy vị khác hẳn, cảm nhận được cả vị đường sữa ngọt ngào trong mỗi miếng kem. Kem chẳng có tên gọi nhiều loại, nhiều vị như bây giờ. Nhưng chiếc nào cũng có dừa tươi rắc lên ở phần gần chỗ tay cầm - cũng là phần hấp dẫn nhất của que kem.
Kem ngày xưa rất nhanh chảy nước, đứa nào thích ăn dè, không dám cắn, chỉ mút mát thì kem lại càng chảy nhanh. Ăn xong một chiếc thấy vẫn còn thèm thuồng, muốn ăn thêm chiếc nữa.
Thùng kem mút khi ấy là chiếc thùng xốp, bên ngoài gia cố thêm những thanh gỗ. Bên trong, để kem giữ được lâu, không chảy nước, người ta nhét rất nhiều vải màn tuyn hoặc quần áo cũ bỏ đi. Mỗi lần xe kem dừng lại, cả đám trẻ kéo đến, xúm xít xung quanh, ngước nhìn lên chiếc thùng như thể bên trong là cả một kho báu.
Về sau, theo thời gian, xe kem mút còn bán thêm một món cũng thú vị không kém, là sữa chua túi. Cũng gần giống như kem nhưng có vị chua nhẹ, món quà vặt này được đổ vào trong túi nilon nhỏ, thuôn dài. Trước khi đưa túi sữa chua, người bán sẽ lấy dao lam rạch một đường rất “ngọt” để khi ăn xé túi cho dễ.
Càng về sau, bọn trẻ quê tôi ăn kem mút bằng tiền mặt thay vì đổi đồng nát càng nhiều hơn. Và khi các loại kem có thương hiệu, nhãn mác xuất hiện ngày càng nhiều, những chiếc xe kem mút dần thưa. Những năm 2000, khi tôi đi học đại học về quê thì xe kem mút đã gần như không còn nữa.
Bây giờ nhà ai cũng có tủ lạnh, kem thì đủ các loại ngon, kem mút chỉ còn trong hồi ức. Những xe kem mút chạy bằng xe máy giữa thủ đô dường như đang đi bán tuổi thơ, bán kỷ niệm cho những kẻ xa quê như tôi. Chúng tôi ăn không phải để đánh giá kem ngon hay dở, mà để hồi tưởng về một thời thơ ấu thân thương, ngọt ngào nhưng không bao giờ có lại được nữa.
LTS: Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: [email protected]. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Ngọc Lan