VHO - Nằm trên một ngọn đồi mà ngày nay khu vực này đã trở thành Trung tâm hành chính của huyện Di Linh (Lâm Đồng),òathịchínhtỉnhĐồngNaiThượbong da laliga Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng (cũ) đã trải qua hơn trăm năm kể từ ngày được xây dựng, nhưng vẫn sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử sống động trong những thăng trầm của vùng đất này.
Dấu ấn đầu tiên của người Pháp tại Tây Nguyên
Tòa thị chính hay Dinh tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng là công trình kiến trúc kiên cố được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Đây là một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, được xây dựng không chỉ với mục đích hành chính mà còn thể hiện quyền lực và sự hiện diện của chính quyền thực dân tại Tây Nguyên.
Theo đó, năm 1899, Toàn quyền Đông Dương lúc bây giờ là Paul Doumer đã ra Nghị định lập tỉnh Đồng Nai Thượng với tỉnh lỵ đặt tại Djiring (Di Linh), để tạo nguồn lực hỗ trợ việc kiến tạo Đà Lạt trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cho giới chức Pháp tại Đông Dương.
Cùng năm, vị Toàn quyền này đã giao cho kiến trúc sư kiêm trắc địa viên người Pháp có tên Cunhac phụ trách việc xây dựng một Tòa thị chính tại đây để dùng làm nơi làm việc cho bộ máy chính quyền sở tại.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, khảo sát, Cunhac đã lựa chọn được vị trí thích hợp để xây dựng Tòa thị chính. Đó là một ngọn đồi không quá cao nhưng có tầm nhìn bao quát xung quanh. Vì thế, ngay sau đó ông đã nhanh chóng cho tiến hành khởi công xây công trình.
Được biết, để phục vụ cho việc xây dựng công trình, người Pháp đã huy động một lượng lớn nhân công, nhân lực trong đó chủ yếu là những người bản địa. Đặc biệt, hàng ngàn mộ phu được tuyển chọn và đưa xuống vùng đất Phan Rí (thuộc TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ngày nay) cách đó hàng trăm km để gùi, tải các loại vật liệu lên phục vụ cho việc xây dựng công trình.
Một năm sau, công trình được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Tòa dinh thự khi hoàn thiện có lối thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic thuộc địa Pháp, một phong cách phổ biến tại nhiều công trình công cộng của thời kỳ này ở Việt Nam.
Nhìn tổng quan, dinh thự có dạng hình chữ nhật gồm 2 tầng với mặt trước khá rộng rãi bao gồm các cột trụ, mái vòm, cửa đi, cửa sổ lớn. Bên trong gồm có 8 phòng rộng rãi được sử dụng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của những quan chức người Pháp.
Ngoài ra, phía trên đỉnh tòa nhà còn có thêm một ngọn tháp nhô lên cao tựa như chiếc đồng hồ hình hộp chữ nhật. 4 phía của ngọn tháp này đều có cửa mở ra các hướng. Việc xây dựng ngọn tháp này được cho là nhằm vừa làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho công trình vừa là vị trí để những lính canh tại đây có thể dễ dàng bao quát tình hình xung quang cũng như sớm phát hiện và kịp thời xử lý những nguy hiểm có thể gây ra cho bộ máy chính quyền tại đây.
Việc cho xây dựng và đưa công trình này vào sử dụng đã đánh dấu sự khởi đầu trong việc mở rộng ảnh hưởng của người Pháp tại đây cũng như góp phần không vào việc định hình một Tây Nguyên như ngày nay.
Chứng nhân sống động cho một giai đoạn lịch sử
Sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng đã chứng kiến và trải qua nhiều giai đoạn phát triển cũng như những thay đổi của vùng đất này, nhất là việc liên tục bị tách rồi lại nhập vào các đơn vị hành chính khác nhau trong những lần thay đổi địa giới hành chính.
Đầu tiên, chỉ sau 4 năm kể từ khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra Quyết định thành lập tỉnh, thì đến năm 1903, người Pháp đã xóa bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng; đồng thời đem vùng đất Di Linh sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận, rồi sau đó lại trở thành một phần của tỉnh Lâm Viên vào năm 1916. Việc xóa bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng nên đương nhiên Tòa thị chính của tỉnh lỵ cũ cũng theo đó mà bị xóa bỏ danh phận.
Đến năm 1920, khi tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng thì nơi đây lại được trưng dụng trở lại làm cơ quan hành chính của tỉnh và hoạt động cho đến năm 1928 thì tỉnh lỵ được chuyển lên Đà Lạt.
Năm 1941, khi Đà Lạt được tách ra để thành lập tỉnh Lâm Viên thì một lần nữa tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng được chuyển về Di Linh và Tòa thị chính cũ của tỉnh này lại được trưng dụng trở lại.
Vào đêm 22 rạng sáng ngày 23.8.1945, một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử đã diễn ra ngay tại Tòa dinh thự này với việc chính quyền cách mạng lâm thời đã buộc Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng lúc bấy giờ là Cao Minh Hiệu đầu hàng, giao nộp ấn tín, vũ khí và những giấy tờ quan trọng khác cho chính quyền mới.
Sau năm 1975, dinh thự này được trưng dụng để làm trụ sở của Ủy ban Quân quản lâm thời một thời gian. Hiện nay, chính quyền huyện Di Linh tiếp tục sử dụng nơi đây làm trụ sở của HĐND huyện.
Có thể nói, Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng cũ tại huyện Di Linh không chỉ là một công trình kiến trúc nổi bật đầu tiên của người Pháp tại Tây Nguyên mà còn là một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử của vùng đất cao nguyên Di Linh.
Liên quan đến công trình này, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh đánh giá, đây là một công trình kiến trúc hết sức có giá trị về lịch sử - văn hóa đối với địa phương, là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử và đặt dấu ấn của người Pháp ở Tây Nguyên; qua đó cho thấy người Pháp đã đánh giá rất cao vùng đất này.
“Thời gian qua, huyện Di Linh đã luôn quan tâm thực hiện công tác di tu, tôn tạo đối với Dinh để tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm hồ sơ xin phép cơ quan có thẩm quyền của tỉnh công nhận di tích đối với Dinh.
Hiện nay, Dinh đang là trụ sở của HĐND huyện nhưng chúng tôi đang có ý tưởng sẽ di chuyển sang một vị trí khác phù hợp để tiến hành tu sửa, cải tạo vị trí này trở thành một điểm tham quan du lịch và lưu giữ các tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa của đồng bào các dân tộc cũng như quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này”, ông Nhuần thông tin thêm.
Thiết nghĩ, với giá trị lịch sử sâu sắc và vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, Tòa thị chính này xứng đáng được bảo tồn và phát huy giá trị, không chỉ như một biểu tượng của quá khứ mà còn như một điểm tựa cho sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.