| Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Thượng Hải, Trung Quốc. |
Kể từ khi ra mắt thị trường carbon cách đây 3 năm, giá chốt phiên mỗi tấn khí thải carbon đã tăng từ hơn 40 Nhân dân tệ lên tới 90 nhân dân tệ, giá carbon cao nhất trong lịch sử từng vượt qua 100 nhân dân tệ. Theo các chuyên gia, việc tham gia giao dịch thị trường carbon sẽ không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm kiểm soát khí thải, mà còn giảm dần chi phí giảm phát thải của doanh nghiệp. Thị trường carbon, còn được gọi là thị trường giao dịch quyền phát thải carbon, là một trong những công cụ chính sách cốt lõi để đạt được mục tiêu đỉnh carbon và trung hòa carbon. Để thực hiện các mục tiêu quốc gia về kiểm soát phát thải khí nhà kính, Chính phủ Trung Quốc sẽ đặt ra các mục tiêu kiểm soát tổng lượng phát thải carbon trong một thời hạn nhất định và phân bổ cho các doanh nghiệp tham gia mua bán quyền phát thải carbon dưới hình thức hạn ngạch phát thải. Thị trường giao dịch quyền phát thải carbon lấy giá cả phân phối carbon như một phương pháp khuyến khích, khích lệ doanh nghiệp giảm phát thải carbon, đồng thời bán lượng hạn ngạch carbon dư thừa để thu được ưu đãi về kinh tế. Việc hình thành thị trường carbon quốc gia đã trải qua một thời gian dài tích lũy và thăm dò. Ngay từ năm 2011, 7 tỉnh và thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu (Quảng Đông)… đã triển khai các dự án thí điểm về thị trường giao dịch quyền phát thải carbon. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch quyền phát thải carbon quốc gia đã chính thức triển khai giao dịch trực tuyến, với khoảng 5,1 tỷ tấn khí thải carbon dioxide (CO2)/năm, chiếm hơn 40% tổng lượng khí thải của cả nước, trở thành thị trường carbon lớn nhất thế giới về phát thải khí nhà kính. Hiện nay, lượng khí thải carbon của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, hóa dầu, hóa chất, sản xuất giấy và hàng không... Lượng khí thải carbon của các ngành này chiếm khoảng 75% tổng lượng khí thải của xã hội. Theo các chuyên gia, các ngành công nghiệp trọng điểm này có trình độ công nghiệp hóa cao và trình độ nhân tài, công nghệ, cơ sở vật chất và nền tảng quản lý nhất định, giúp việc kiểm soát và quản lý định lượng lượng khí thải carbon trở nên dễ dàng hơn…/. |