Người dân chưa "mặn mà" với BHXH tự nguyện
Theo Ban Thu - BHXH Việt Nam, từ 6.110 người tham gia vào năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện), đến năm 2015 đã tăng lên 225.240 người và con số này đạt 291.000 người tham gia tính đến hết năm 2017.
Nhìn chung, kết quả thực hiện về đối tượng tham gia và số tiền thu hàng năm đều tăng cao hơn so với năm trước, nhưng số người tham gia so với lực lượng lao động còn đạt tỷ lệ rất thấp. Mục tiêu đạt 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2020 đang là một thách thức lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng. Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện, thậm chí, một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện. Người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già.
Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, không ổn định. Hiện tại, BHXH Việt Nam có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, nằm hầu hết ở các thôn xã, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế. Hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên họ tham gia tiếp BHXH tự nguyện, còn số nông dân tham gia là rất ít.
Nhiều ý kiến cho rằng, ít người tham gia BHXH tự nguyện bởi người lao động chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về loại hình này. Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn được người lao động, bởi chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi, người lao động rất cần thụ hưởng các chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có ở BHXH bắt buộc.
Ngoài ra, do người tham gia tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập khai đóng BHXH tự nguyện, người lao động trong doanh nghiệp chỉ đóng 1/3 mức trên, còn người tham gia tự nguyện phải đóng tất cả 22%. Hơn nữa, nếu đóng theo mức thấp nhất là mức chuẩn nghèo nông thôn thì mức đóng góp ít, thời gian tham gia dài nên chưa tạo sức hấp dẫn cho người dân tham gia.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách
Từ 1/1/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia, tùy theo từng nhóm đối tượng mà được hưởng mức hỗ trợ 10% hay 25% hay 30%. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các đối tượng còn lại được 10%.
Số % này dựa trên mức đóng của chuẩn nghèo khu vực nông thôn do Chính phủ quy định. Hiện nay, chuẩn nghèo đó đang là 700.000 đồng, mức đóng BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo là 22% của 700.000 đồng, tương ứng 154.000 đồng. Tỷ lệ hỗ trợ tính trên mức 154.000 đồng trong thời điểm chuẩn nghèo chưa thay đổi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ này vẫn là rất thấp, đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo dù được hỗ trợ cao hơn cũng rất khó có thể tham gia, nhiều người muốn được hỗ trợ mức cao hơn mới tham gia BHYT tự nguyện.
Về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, kết quả khảo sát cuối năm 2017 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn tham gia. Đặc biệt, 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH...
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách.
Ông Sơn cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người dân tham gia. Vì vậy, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể đạt mục tiêu 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2020.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút được người lao động hơn, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm để phù hợp với mức thu nhập khác nhau của người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH là dịch vụ công hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận, sinh lời không giống như hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH thì luôn được bảo toàn. Hàng năm, Chính phủ đều công bố chỉ số điều chỉnh theo chỉ số CPI để bảo toàn đồng tiền đóng vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH là quỹ được Nhà nước bảo hộ nên sẽ không có chuyện phá sản hay vỡ quỹ, còn doanh nghiệp bảo hiểm có thể phá sản... |
Mai Lâm