| Mỹ có thể sẽ vỡ nợ nếu không đạt thỏa thuận tăng trần nợ công | | Mỹ loay hoay tìm lời giải vấn đề trần nợ công | | Nhà đầu tư miễn cưỡng trong việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ |
Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023 cho phép Chính phủ Mỹ mở rộng trần nợ để gia hạn các khoản vay và thanh toán các hóa đơn. Trước đó, ngày 1/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật lưỡng đảng được Tổng thống Biden ủng hộ, nâng trần nợ 31.400 tỷ USD của Chính phủ, sau nhiều tháng tranh cãi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Bộ Tài chính Mỹ từng cảnh báo rằng nếu trần nợ bị chặn sau ngày 5/6, quốc gia này sẽ vỡ nợ với khoản nợ 31.400 tỷ USD. Vụ vỡ nợ có thể đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm lớn và suy thoái kinh tế, với những tác động toàn cầu. Trong bài phát biểu hiếm hoi tại Phòng Bầu dục chiều 2/6,, ông Biden nói rằng dự luật trần nợ đã cứu đất nước khỏi “sự sụp đổ kinh tế”. Tổng thống Mỹ cũng cho biết thỏa thuận giải quyết bế tắc giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là một sự thỏa hiệp, trong đó “không ai có được mọi thứ họ muốn.” Cũng trong bài phát biểu, ông Biden nói rằng Quốc hội hiện đã bảo toàn “đầy đủ niềm tin và sự tín nhiệm của Mỹ”. Trần nợ thường là một thủ tục kế toán không gây tranh cãi, được Quốc hội phê duyệt hàng năm, cho phép Chính phủ tiếp tục vay tiền để thanh toán các hóa đơn đã phát sinh. Tuy nhiên, năm nay, các đảng viên Cộng hòa cực hữu chiếm đa số hẹp trong đảng của họ tại Hạ viện đã quyết định sử dụng lá phiếu làm đòn bẩy để buộc chính quyền của ông Biden chấp nhận cắt giảm nhiều ưu tiên chi tiêu của Đảng Dân chủ. Điều này đã gây ra một cuộc thử thách sức mạnh chính trị có nguy cơ dẫn đến hỗn loạn trước khi hai bên đồng ý về việc nâng trần nợ trong khi đổi lại đóng băng một số chi tiêu ngân sách - nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu cắt giảm của Đảng Cộng hòa. Mặc dù Quốc hội Mỹ đã gạt bỏ những khác biệt sang một bên để cuối cùng thông qua thỏa thuận về trần nợ công, nhưng uy tín của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng. Cùng với đó, các cuộc đàm phán trần nợ đã trở thành một đặc điểm gần như thường xuyên trong lịch sử Mỹ đương đại. Theo chiến lược gia lãi suất Calvin Norris tại Aegon Asset Management, “nguy cơ (Mỹ) bị hạ xếp hạng tín nhiệm càng trầm trọng hơn mỗi khi Quốc hội thông qua trần nợ công”. Bởi trước đó, theo các nhà phân tích, thiệt hại kinh tế từ cuộc chiến trần nợ công năm 2011 và 2013 đã có một tác động đáng sợ. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Moody's Analytics, nếu không có sự bấp bênh chính trị đó, GDP vào giữa năm 2015 của Mỹ sẽ cao hơn 180 tỷ USD và sẽ có thêm 1,2 triệu việc làm. Còn theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ của Mỹ, sự chậm trễ trong việc nâng trần nợ trong năm 2011 đã dẫn đến sự gia tăng chi phí vay của Bộ Tài chính khoảng 1,3 tỷ USD trong năm đó. Ba cơ quan xếp hạng chính bao gồm Fitch Ratings, Moody's và S&P Global Ratings xếp hạng nợ chính phủ của Mỹ lần lượt là AAA, AAA và AA+. Fitch Ratings và các cơ quan nhỏ hơn khác gần đây đã xem xét lại xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. S&P Global Ratings đã đề cập đến bản cập nhật mới nhất về nợ Chính phủ của Mỹ vào tháng 3, trong đó duy trì xếp hạng ở mức AA+ với triển vọng ổn định. Hôm 2/6, bất chấp thỏa thuận đạt được giữa hai viện Quốc hội Mỹ, Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings cho biết họ đang giữ xếp hạng tín dụng “AAA” của Mỹ ở mức tiêu cực vì các bế tắc chính trị lặp đi lặp lại và việc đình chỉ giới hạn nợ vào phút cuối đã làm giảm “niềm tin vào quản trị đối với các vấn đề tài chính và nợ”. |