Tên là ấp Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm) nhưng nhiều năm liền luôn là ấp đi đầu trong sản xuất tại địa phương. Vụ mùa năm 2015, trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm thì người dân ở ấp Ông Muộn trúng đậm.Tên là ấp Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm) nhưng nhiều năm liền luôn là ấp đi đầu trong sản xuất tại địa phương. Vụ mùa năm 2015, trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm thì người dân ở ấp Ông Muộn trúng đậm. Nguyên nhân chính là nhờ nông dân đồng lòng trong sản xuất, chính quyền địa phương tư vấn kịp thời lịch thời vụ… Năm 2010, ấp Ông Muộn có 172 ha đất chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang sản xuất luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Do giá trị của con tôm lớn nên ban đầu người dân chỉ độc canh con tôm.
Ðược 2 năm, tôm chết kéo dài liên tục nên ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn đã tiên phong thực hiện thí điểm mô hình một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Lấy hiệu quả từ mô hình của mình, ông Toàn tuyên truyền, vận động người dân cam kết thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm. Năm đầu tiên chỉ khoảng 50% dân làm theo, đến năm thứ 2 tăng lên 70%, năm thứ 3 đã tăng lên hơn 90% và ổn định 92 hộ làm vụ lúa trên đất nuôi tôm trong nhiều năm nay. Mặc dù thời tiết năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 diễn biến bất thường, nhưng từ việc chủ động xả nước mặn phơi đầm, bơm nước đồng loạt, chọn và xuống giống đồng loạt, thu hoạch đồng loạt nên vụ lúa - tôm năm 2015, 92 hộ dân ấp Ông Muộn thu hoạch đạt hơn 40 giạ/công. Vụ mùa năm 2016, lượng mưa ít, độ mặn cao nhưng các hộ dân nơi đây vẫn quyết tâm sản xuất vụ lúa - tôm và hiện tại lúa đang phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Ðiều quan trọng dẫn đến thành công như hôm nay là mình phải giải thích về sự bền vững của cây lúa trên đất nuôi tôm, bên cạnh đó kết hợp với việc mình làm hiệu quả nên bà con thấy mà làm theo”. Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết lịch thời vụ mà nhiều năm nay, hễ cứ vào độ tháng 6-7 là bà con xem nhà bí thư chi bộ xuống giống chưa để làm theo. Ông Toàn cho biết thêm: “Tới mùa mưa là tôm lớn hay nhỏ gì bà con cũng bắt hết. Riết thành quen, hễ thấy vuông cặp bên thu hoạch là ai cũng thu hoạch vét đuôi. Những hộ xâm canh bên Phường 8, Trần Văn Thời, Cái Nước qua đây làm mà không tuân thủ lịch thời vụ (nấn ná thu hoạch tôm) thì chúng tôi buộc họ làm cam kết. Nếu nước mặn làm ảnh hưởng hộ kế bên trồng lúa thì lập biên bản buộc chủ đất bồi thường. Làm vậy nên người ta cũng ngán, không kỳ kèo nữa mà cũng làm lúa với mình luôn”. Công chức nông nghiệp xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau Mạc Ngọc Truyền bộc bạch: “Theo tôi, để vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công như đã qua tại ấp Ông Muộn phần lớn là nhờ thuỷ lợi được đầu tư đồng bộ, khép kín nên chủ động được về nước. Công tác tuyên truyền, vận động kỳ quyết; địa phương bám sát lịch thời vụ nên kết quả đạt được là đáng ghi nhận”. Chọn giống lúa ngắn ngày, thực hiện rửa mặn đồng loạt, thu hoạch đồng loạt và chính quyền địa phương cứng rắn trong xử lý đối với hộ cam kết mà không thực hiện vụ lúa làm ảnh hưởng đến người khác... đó là những nguyên nhân dẫn đến thành công của vụ lúa - tôm ở khu vực này. Sản xuất đạt hiệu quả cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn. Hộ nghèo trong ấp năm 2016 giảm xuống chỉ còn 9 trong tổng số 322 hộ. Ðặc biệt, đối với 92 hộ sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm thì chỉ còn 1 thuộc diện hộ nghèo. Gia đình chị Võ Thuý Ái có hơn 1 ha đất lúa - tôm, thu nhập bình quân hằng năm từ lúa và tôm hơn 120 triệu đồng. Vừa có lúa ăn, vừa nuôi thêm cua và cá nên cuộc sống gia đình chị thoải mái hơn. Chị Ái bộc bạch: “Trước năm 2012, 1 ha thu khoảng 80 triệu đồng, còn năm 2015 là 130 triệu đồng trở lên. Nhờ hệ thống thuỷ lợi khép kín hoàn toàn (hễ tới làm lúa là cống đóng lại để giữ ngọt, có muốn làm tôm cũng khó); với lại cũng từ hiệu quả mang lại của cả lúa lẫn tôm mà bà con ở đây rất phấn khởi và đồng lòng làm”. Mô hình sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm theo hình thức khép kín và liên kết sản xuất đồng loạt đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao, thích ứng được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang gặp khó khăn trong sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm thì mô hình này ở ấp Ông Muộn là minh chứng rõ ràng nhất cho tính hiệu quả của hình thức sản xuất theo kiểu liên kết cùng nhau để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất./. Bài và ảnh: Huệ Như |