| Nguồn: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồ họa: Phương Anh |
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong thời gian qua? TS. Nguyễn Quốc Việt:Tôi cho rằng, việc giảm thuế GTGT liên tục trong suốt hơn 3 năm vừa qua đã đạt được rất nhiều thành công, nhiều mục tiêu. Điều đầu tiên thấy rất rõ là đã ổn định được mặt bằng giá cả, đặc biệt là những mặt hàng dịch vụ, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp đại đa số những người dân và người lao động. Trong những năm vừa qua mặc dù chịu nhiều sức ép với những biến động trong, ngoài nước và áp lực khác nhưng chỉ số lạm phát của Việt Nam luôn được giữ trong các mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra. Có rất nhiều ý kiến lo ngại việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến các chính sách đặc biệt là những chính sách tài khoá của Chính phủ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và so sánh dữ liệu có thể thấy, so với các giai đoạn trước Covid-19 thì giai đoạn sau Covid-19 đến tháng 6/2024, tỷ trọng đóng góp của thuế GTGT vẫn không giảm trong tổng thu ngân sách. Điều đó chứng tỏ rằng con số tuyệt đối về thu thuế GTGT hàng năm vẫn tăng lên về giá trị. Và điều quan trọng hơn chúng tôi phát hiện ra là thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp trong nước và thuế thu nhập cá nhân có tỷ trọng đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn hậu Covid-19 cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Điều này tiếp tục khẳng định một lần nữa việc giảm thuế GTGT đi kèm với một loạt những chính sách tài khóa khác đã kích cầu tiêu dùng, tạo ra dòng sản xuất kinh doanh do cầu tiêu dùng ở trong nước được duy trì. Từ đó, tạo sự hứng khởi và tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận cũng như tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Qua đó, khiến cho các nguồn thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân tăng cao, thậm chí là so với cả giai đoạn trước Covid-19. Dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng Theo Bộ Tài chính, ước tính việc giảm thuế GTGT 2% trong năm 2024 đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 49.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, việc tiếp tục giảm thuế GTGT dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. |
Kết quả tích cực của chính sách giảm 2% thuế GTGT từ 2022 tới nay cho thấy, nếu khoan thư sức dân và biết cách sử dụng các đòn bẩy thì về lâu dài sẽ làm tăng các động lực tăng trưởng và sản xuất kinh doanh. Qua đó đảm bảo các nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. PV: Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết đồng ý tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế GTGT 2% cho nhiều loại mặt hàng từ 1/1/2025 đến hết tháng 6/2025. Ông có bình luận gì về việc này cũng như tác động của chính sách? TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi cho rằng, đây là chính sách đúng và trúng. Tiếp tục thành công của những chính sách miễn, giãn, hoãn, giảm thuế trong giai đoạn trước thì chính sách giảm thuế GTGT 2% cũng nên được tiếp tục trong giai đoạn tới bởi mấy lý do sau đây. Thứ nhất, mặc dù tăng trưởng đã có các dấu hiệu phục hồi và sản xuất đã quay trở lại nhưng đa phần ở khu vực kinh tế đối ngoại xuất khẩu, còn khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, niềm tin trên thị trường cũng chưa được khởi sắc và biểu hiện cụ thể là mức tăng trưởng tiêu dùng trong nước của chúng ta cũng vẫn thấp so với kỳ vọng (mới đạt mức tăng trưởng 4,5- 4,6% so với mức 11-12% giai đoạn trước Covid-19, sau khi loại trừ yếu tố lạm phát). Vì vậy, Thủ tướng trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội cũng đã khẳng định, trong các động lực tăng trưởng trong thời gian tới đặc biệt là 2025 và những cái năm tiếp theo thì chúng ta không chỉ tiếp tục phát huy động lực xuất khẩu và công nghiệp chế biến chế tạo mà chúng ta phải tập trung kích hoạt cái động lực truyền thống đó là đầu tư và tiêu dùng trong nước. Việc giảm thuế GTGT 2% này chính là thực hiện đúng và trúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã nêu. PV: Rút kinh nghiệm từ những lần triển khai trước, theo ông, cần làm gì để chính sách này thực sự hiệu quả, mang lại tác động lan tỏa, hỗ trợ cho tăng trưởng? TS. Nguyễn Quốc Việt: Trong giai đoạn hiện nay, ngân sách sẽ phải dồn dịch cho nhiều mục tiêu lớn của đất nước, đặc biệt là cho nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới rất là lớn. Vì vậy, sẽ khó có nhiều chính sách tài khoá mở rộng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nên thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cần có sự phối hợp đồng bộ và có tính chất tập trung, trọng tâm, trọng điểm để các chính sách phải hỗ trợ được cho nhau. Đồng thời, vẫn phải tiếp tục cải cách các thủ tục về miễn giảm, về hoàn thuế, đơn giản hóa những cải cách để làm sao nếu một doanh nghiệp mà có nhiều mô hình kinh doanh với những hàng hóa dịch vụ khác nhau có loại thì được giảm, có loại không được giảm vẫn cảm thấy thoải mái và không tạo ra những chi phí tuân thủ hoặc những chi phí bổ sung, phát sinh cho doanh nghiệp, làm mất đi tác dụng và hiệu quả của chính sách này. Cuối cùng, bên cạnh việc giảm thuế GTGT đối với người tiêu dùng nội địa thì chúng ta cũng có những chính sách để kích hoạt hơn mua sắm của khách du lịch quốc tế. Đến hết tháng 10, Việt Nam có 14 triệu lượt khách du lịch quốc tế và họ cũng đóng góp rất lớn vào kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, rất nhiều những chính sách về hỗ trợ và kích thích khách du lịch mua sắm hiện vẫn chưa thực sự linh hoạt. Ví dụ như các trung tâm thương mại, tụ điểm du lịch lớn nên có chính sách miễn tại chỗ thuế GTGT đối với khách du lịch nước ngoài thì sẽ thu hút khách du lịch. PV: Xin cảm ơn ông! Phối hợp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các chính sách Chia sẻ rõ hơn về khuyến nghị cho việc thực hiện chính sách tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong nửa đầu năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh tới sự phối hợp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các chính sách. Ví dụ như, cùng với chính sách giảm 2% thuế GTGT thì thường kỳ các bộ ngành, nhất là Bộ Công thương hay có những chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua những thương hiệu Việt hay các bộ ngành hay địa phương đều có những chương trình khuyến khích các sản phẩm Co-op địa phương. Vì vậy, làm sao cần phối hợp các chính sách này tập trung trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả để cho người dân thấy được sự cộng dồn của các chính sách làm giảm được giá tiêu dùng của các mặt hàng. Đặc biệt là những mặt hàng có tính khuyến khích, những mặt hàng sản xuất thực sự của doanh nghiệp Việt, mang thương hiệu Việt nhưng đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu đòi hỏi cao hơn về sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. “Chúng ta sẽ không có nhiều các chính sách hỗ trợ để “rải mành mành” như trong thời gian trước mà nên có sự tập trung trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào kích cầu tiêu dùng một cách bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm. Cộng với chính sách giảm thuế GTGT thì nó sẽ kích hoạt nhu cầu tiêu dùng mới trong xã hội, đặc biệt là dịp đầu năm mới khi mà nhu cầu mua sắm tăng cao”- TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh. |
|