发布时间:2025-01-09 23:58:53 来源:88Point 作者:Cúp C1
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019, với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường", khai mạc sáng 8/8/2019, tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn chính sách công nghệ quy mô quốc gia và quốc tế do VINASA tổ chức thường niên từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự quan tâm chỉ đạo, tham dự của Lãnh đạo Chính phủ. Diễn đàn hàng năm đều đưa ra thông điệp về chính sách, công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT).
Đến dự Vietnam ICT Summit 2019 có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cùng khoảng 800 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam dù được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực, quốc tế, nhưng xuất phát quá thấp, cho nên phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh môi trường hợp tác những cạnh tranh quốc tế rất cao. Cạnh tranh ở đây không chỉ cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, công nghệ, mà còn cạnh tranh cả về thị trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ TT-TT chúc mừng sự ra mắt của Liên minh chuyển đổi số Việt Nam. Ảnh: Đức Minh |
"Để vượt qua được trong cuộc đua tranh với cả thế giới, thì chúng ta phải có khát vọng, ý chí, sáng tạo và phải đột phá khỏi tư duy, suy nghĩ, ràng buộc do thói quen…" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là vận hội lớn, cơ hội lớn. Nhưng cơ hội đến với chúng ta cũng là cơ hội đến với các quốc gia và dân tộc khác. Trong cuộc đua tranh, hợp tác ngày hôm nay, nếu không tận dụng tốt, cơ hội sẽ biến thành thách thức.
Phó Thủ tướng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên CNTT mang đến cơ hội cho chúng ta, từ những năm 90 chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin, chuyển đối số, kinh tế tri thức,...
Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải triển khai ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức, mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (thứ 2 hàng đầu, bên trái) tham dự Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019. Ảnh: Đức Minh |
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số nước nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: "Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam".
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số bao gồm: các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực có thể làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT; các doanh nghiệp công nghệ đã có 10 - 20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platform (nền tảng) chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Theo dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1, từ năm 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm.
Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Đề cập tới thách thức trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, bước hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số.
Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Nó phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Lý do bởi các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0.
Vì thế, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy"./.
Đức Minh
相关文章
随便看看