Cụ thể, thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 2 vừa qua tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 234 tỷ USD, do nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 13%. Thâm hụt ngân sách của Mỹ kể đầu tài khóa này, bắt đầu từ ngày 1/10/2018, tới nay tăng gần 40% so với cùng kỳ tài khóa trước, lên 544 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực bảo vệ kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy mô lớn, được thông qua vào tháng 12/2017, cho rằng quyết định giảm thuế này sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho hay thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ kể từ đầu tài khóa này đã giảm 23%.
Trước đó, ngày 21/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định triển vọng kinh tế Mỹ vẫn vững với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và lòng tin của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp ở mức cao. IMF dự kiến công bố bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào ngày 9/4. Nhận định của IMF được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay. Fed đã hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống 2,1%, so với mức ước tính tăng 2,3% được đưa ra hồi tháng 12/2018.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày từ 19-20/3, Fed thông báo báo giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5%. Phần lớn quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của Fed cho rằng không cần thiết phải tăng lãi suất trong năm 2019.
Mỹ hiện đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá hơn 360 tỷ USD của nhau. IMF và nhiều nhà kinh tế cảnh báo cuộc chiến thương mại này có thể gây ra những tác động mang tính dây chuyền lớn hơn và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu./.
Theo TTXVN