Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phụng Hiệp đang được các ngành,ỗlựchonthnhmụctiuxydựngnngthnmớkết quả cúp c1 nữ châu âu địa phương đẩy mạnh thực hiện để hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch năm đề ra.
Mô hình trồng dâu tằm của bà Nguyễn Thị Hồng Mơ, ở ấp 3, xã Thạnh Hòa, được thực hiện theo chuỗi giá trị cho hiệu quả cao.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, góp phần cho phát triển kinh tế bền vững.
Theo đó, để thành công xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện Phụng Hiệp xác định phải lấy phát triển sản xuất là khâu đột phá. Do đó, các địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô hiện đại, nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, đa giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đến nay, toàn huyện có 8/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Phương Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới xã Tân Bình, đảm bảo được công nhận đạt chuẩn theo kế hoạch.
Cụ thể, thời gian qua huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gia tăng tỷ trọng cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp, củng cố và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ diện tích mía, cải tạo vườn tạp, luân canh, xen canh sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã đạt được những kết quả tích cực như các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp đều đạt và vượt, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng cao.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo đồng bộ việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị trên các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao gắn với du lịch. Xây dựng các mô hình nông nghiệp nhằm tạo nền tảng để phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, người nông dân được trang bị tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, áp dụng sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng sinh thái góp phần bảo vệ môi trường, gắn kết du lịch nông nghiệp vùng nông thôn. Nhờ đó, nhiều mô mình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang được người dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp mạnh dạn thực hiện để nâng cao thu nhập. Một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện là trồng cây dâu tằm. Bà Nguyễn Thị Hồng Mơ, ở ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Từ việc thấy cây dâu tằm có rất nhiều công dụng hỗ trợ sức khỏe cho người dân nên gia đình mạnh dạn phá bỏ 1ha xoài Đài Loan chuyển sang trồng cây này. Hiện nay, cây dâu tằm được 3 năm tuổi, chỉ riêng phần trái mỗi năm thu hoạch từ 5 tấn, với giá bán là 50.000 đồng/kg. Để nâng cao thu nhập, tôi còn làm rượu dâu tằm và để giúp người dân cải thiện sức khỏe tôi quyết định sản xuất trà dâu tằm. Hiện nay, diện tích dâu tằm đều trồng theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Bình quân mỗi năm, trừ hết các khoản chi phí còn lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi chuột kiểng hamster, đây cũng là nguồn thu nhập khá ổn định giúp gia đình phát triển kinh tế”.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Theo UBND huyện Phụng Hiệp, kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đến 2025 toàn huyện có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, hiện nay các ngành, các cấp, hội đoàn thể trên địa bàn huyện ra sức chung tay thực hiện. Bà Nguyễn Ngọc Vẹn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bình, cho biết: Xác định phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng xã nông thôn mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, giúp phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế.
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bình còn tích cực tham gia Ban chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn xã, tuyên truyền vận động Nhân dân, hội viên, phụ nữ chung sức, đồng lòng, cùng chung trách nhiệm hoàn thành tuyến đường nông thôn mới ở ấp Tân Quới Rạch, rộng 3m, chiều dài 3,8km. Với những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã và đang góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã Tân Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2024, đưa diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Bí thư Chi bộ ấp Tân Quới, xã Tân Bình, cho biết: Để chung tay, góp phần thực hiện các kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, ấp đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, đặc biệt là những chỉ tiêu còn khó phải nỗ lực thật nhiều. Cụ thể, vận động thực hiện chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế đạt 97% trở lên, vận động hộ dân trồng hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp, giặm vá đường... Bên cạnh đó, còn vận động người dân tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa giống, nuôi lươn, baba nhằm giúp hộ dân có sự tương tác trong sản xuất, liên kết đầu ra sản phẩm và được hỗ trợ kỹ thuật. Từ đó, giúp người dân làm ăn hiệu quả hơn, góp phần đạt các chỉ tiêu đề ra. Bằng sự phấn đấu của Chi bộ ấp, nỗ lực của hộ nghèo, quyết tâm năm 2024 ấp Tân Quới không còn hộ nghèo, từng bước thay đổi diện mạo mới nông thôn.
Bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người dân ở huyện Phụng Hiệp phát triển sản xuất, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phân bổ nhiều dự án khuyến nông cho huyện như: mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm quy mô 20ha, ở xã Tân Phước Hưng và xã Thạnh Hòa; mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn sản xuất kết hợp lúa, cá, vịt, với quy mô 3 hộ ở xã Phương Bình và xã Phương Phú; mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, với quy mô 30ha, ở xã Bình Thành và xã Thạnh Hòa. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn phân bổ cho huyện thực hiện mô hình canh tác lúa, cá, với quy mô 22,5ha, ở xã Hòa An và xã Tân Bình. Trong đó, hỗ trợ 1 máy sạ định vị như cấy, phân urê, phân lân nung chảy, phân hữu cơ, thuốc trừ sâu bệnh sinh học.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong thời gian còn lại của năm 2024, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn trong việc vận động thành lập mới hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất rau màu, cây ăn quả nhất là các cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn có thị trường tiêu thụ tốt để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân tiếp tục đầu tư phát triển thủy sản, nhất là các đối tượng thủy sản tiềm năng, các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao...
T.XOÀN