Cán bộ Cục Hải quan Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu. Ảnh: CTV |
Giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải
Tại hội thảo khảo sát, đánh giá thực tế triển khai phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp (DN) và các bên liên quan trong 10 năm qua (2014 - 2024), do Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Bình Dương tổ chức, đại diện DN trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đánh giá cao tinh thần nỗ lực của Hải quan Bình Dương luôn đa dạng hóa nhiều giải pháp, đồng hành, hỗ trợ DN.
Thông quan hàng hoá cho hơn 7.000 doanh nghiệpTheo Cục Hải quan Bình Dương, thống kê đến 15/11/2024, đơn vị đã làm thủ tục thông quan hàng hoá cho 7.199 DN, tăng gần 4% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 52,8 tỷ USD, tăng hơn 10%. Số thu ngân sách đạt hơn 16.099 tỷ đồng, đạt 95% chỉ tiêu dự toán, hơn 94% so với cùng kỳ. |
Công ty TNHH Far Eatern Việt Nam, là DN 100% vốn Đài Loan, được thành lập từ năm 2008 đã tăng 3 bậc trong tuân thủ pháp luật hải quan. Đại diện công ty chia sẻ, nhờ sự hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình của cán bộ Hải quan Bình Dương, DN thực hiện các quy định chính xác hơn, tránh được sai sót, nâng mức độ tuân thủ ngày một tăng. Tính từ năm 2016 đến nay, mức độ tuân thủ của DN được cơ quan hải quan đánh giá tăng từ mức độ 4 lên mức 1. Nhờ việc nâng cấp công nghệ và trang thiết bị hiện đại, cơ quan hải quan đã tạo điều kiện tối ưu cho DN thông quan hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả, giúp DN tiết kiệm chi phí.
Chia sẻ về nỗ lực của cơ quan hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương Huỳnh Anh Tuấn cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khai báo hải quan và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cắt giảm được thời gian và chi phí, góp phần thu hút được nguồn hàng hóa XNK làm thủ tục thông quan hàng hoá cho DN.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương, đơn vị đã làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu (XNK) cho khoảng hơn 600 DN, tăng 41% so với cùng kỳ; kim ngạch XNK đạt 431 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong công tác giám sát hải quan, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa (container) nhập khẩu, xuất khẩu với số lượng 463.000 TEU đi qua cảng tổng hợp Bình Dương, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Để thúc đẩy hoạt động XNK của các DN đến làm thủ tục hải quan tại đơn vị, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho DN như: thường xuyên cải cách, hiện đại hóa thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ DN thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất.
Đặc biệt, bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình làm thủ tục và giao nhận hàng tại cảng Bình Dương đã giúp các DN tiết kiệm được 400.000 - 500.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng chi phí vận tải cho mỗi container.
Ngoài ra, do đặc thù hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương đã phân công bố trí công chức trực 24/24 để thực hiện công tác kiểm tra giám sát hàng hóa qua cảng, đảm bảo không để ách tắc hàng hóa của các DN trên địa bàn.
Lắng nghe thấu hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN, lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cho hay, từ cấp cục cho đến các chi cục trong năm 2024, các đơn vị thường xuyên tổ chức gặp gỡ DN nhằm trao đổi, tháo gỡ vướng mắc cho DN cũng như nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch XNK của DN để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, đồng hành sát cánh cùng sự hồi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của DN.
Đại diện Công ty Cổ phần Tetra Par Bình Dương cho rằng, trong những năm qua, hoạt động của DN phát triển nhanh, với đơn hàng phong phú, nhu cầu XNK hàng hóa thiết yếu tăng cao, công ty đang mở rộng nhiều dây chuyền sản xuất… với khối lượng hàng hóa XNK, công ty nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Cục Hải quan Bình Dương và các chi cục hải quan.
Hàng năm, Cục Hải quan Bình Dương tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên đề để hướng dẫn thủ tục, văn bản mới cho DN. Qua đó, giúp DN nắm vững các quy định, thực hiện đúng tránh được sai sót, đồng thời cơ quan hải quan cũng không mất nhiều thời gian để hướng dẫn DN khi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa... Điển hình như Hải quan Bình Dương đã chủ động tháo gỡ vướng mắc cho DN trong XNK hóa chất, tiền chất công nghiệp.
Cục Hải quan Bình Dương cho biết, hóa chất và tiền chất công nghiệp là mắt xích thiết yếu trong hàng loạt ngành quan trọng như: sản xuất hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, vật liệu xây dựng.
Theo phản ánh của DN, các DN đang gặp một số khó khăn về khai báo mã CAS và thành phần hóa chất; quy định báo cáo hàng năm lên cơ sở dữ liệu quốc gia về tình hình sử dụng hóa chất; giấy phép nhập khẩu tiền chất… Đơn cử, như trường hợp của Công ty TNHH Thành Hồng, Công ty TNHH Kỹ Nghệ Gỗ Hoa Nét phản ánh đang gặp khó khăn khi nhà cung cấp từ chối cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ về mã CAS và hàm lượng thành phần hóa chất trong Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất (MSDS). Theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, MSDS cần thể hiện đầy đủ và chính xác các thành phần, nhưng DN lại phụ thuộc vào thông tin của nhà cung cấp.
Với vướng mắc của DN, Cục Hải quan Bình Dương đã hướng dẫn, giám sát hoạt động của DN và thông quan nhanh hàng hoá cho DN trên cơ sở kiểm soát chặt không để lợi dụng việc nhập khẩu tiền chất sử dụng vào mục đích phi pháp.
Mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp có sự cải thiệnSau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (chương trình), Cục Hải quan Bình Dương ghi nhận mức độ tuân thủ của nhiều DN có sự cải thiện. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, triển khai chương trình, đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 23 DN. Giai đoạn 1 (năm 2022) có 18 DN tham gia chương trình. Giai đoạn 2 (năm 2023) có 5 DN tham gia chương trình. Trong đó, có 9 DN Việt Nam, 6 DN Trung Quốc và 8 DN có vốn đầu tư từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia. Về mức độ tuân thủ, có 7 DN nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4 lên mức 2, 3, chiếm 30,4% tổng số DN tham gia; 12 DN giữ mức độ tuân thủ (mức 3) chiếm 52,2% tổng số DN tham gia. Như vậy, qua tham gia chương trình, số DN được tăng và giữ nguyên mức độ tuân thủ đạt 82,6% tổng số DN tham gia chương trình, đạt mục tiêu đề ra của chương trình. Cũng theo Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, trong quá trình triển khai chương trình, Cục Hải quan Bình Dương sẽ hỗ trợ khắc phục một số hạn chế, tồn tại. Một số DN chưa chủ động trao đổi với cơ quan hải quan về các rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, các vấn đề phát sinh trong nội bộ của DN. Hiện chưa có phần mềm kết nối, trao đổi thông tin giữa đầu mối phía DN và các cấp thực hiện chương trình tuân thủ của cơ quan hải quan (cấp chi cục, cấp cục và tổng cục) nên việc trao đổi thông tin giữa hai bên còn một số hạn chế. Một số DN tham gia chương trình có hoạt động XNK một số mặt hàng thuộc các chuyên đề kiểm soát rủi ro của Tổng cục Hải quan dẫn đến tỷ lệ phân luồng đỏ tăng cao./. |