Thưa ông, từ 1/10, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã chính thức đi vào hoạt động sau 8 tháng thành lập. Ông có kỳ vọng gì vào hiệu quả hoạt động của Siêu ủy ban trong thời gian tới?
Tôi đánh giá cao việc thành lập Ủy ban này. Sau nhiều năm tiến hành cải cách, cổ phần hóa DNNN, chúng ta đã thu được một số kết quả, nhưng nhìn lại thấy thực hiện còn quá chậm, luôn luôn không đạt được yêu cầu và kế hoạch đặt ra. Sau Đại hội XII của Đảng, vấn đề cần có một cơ quan làm đầu mối thống nhất làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại DN được chính thức đặt ra. Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi suốt mấy năm trong các cơ quan quản lý và giới chuyên gia mới đi tới có đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN.
Sau khi đã có quyết định thành lập từ 8 tháng trước, đến nay cũng có ý kiến chưa tin vào khả năng và hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Riêng tôi, tôi tin rằng Ủy ban sẽ hoạt động ít nhất là tốt hơn các bộ chủ quản đối với DNNN trước đây trong việc quản lý vốn nhà nước tại DN. Đó là vì sẽ tập trung đầu mối và không có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý DN mà Đảng đã có chủ trương này từ lâu rồi nhưng chưa thực hiện tốt. Kinh nghiệm của nhiều nước đã minh chứng điều này như Singapore, Indonesia, Trung Quốc… Trong quá trình hoạt động của Ủy ban tới đây, chắc chắn sẽ có không ít khó khăn vì đây là một tổ chức mới, cách làm mới, nhưng chỉ cần kiên quyết, kiên trì, làm đúng, được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ và hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ thì mọi việc sẽ tiến triển tốt theo yêu cầu. Đây cũng là cái mới đột phá thắng cái cũ trì trệ.
Tại buổi ra mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khi đi vào hoạt động Ủy ban phải “chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh”. Xin cho biết đánh giá của ông về vấn đề này?
Đây chính là vấn đề mà lâu nay dư luận xã hội đã nói nhiều về tình trạng các bộ, địa phương chủ quản DNNN đã để xảy ra chuyện “sân trước sân sau”, lợi ích nhóm, tham nhũng, người nhà trong kinh doanh, trong hoạt động và quản lý DNNN. Khi còn không tách bạch quản lý nhà nước và quản lý DN thì chuyện này rất khó tránh khỏi. Đây cũng chính là lý do rất quan trọng để thành lập Ủy ban. Một yêu cầu quan trọng là hoạt động của Ủy ban dứt khoát phải tránh được, loại trừ tình trạng này. Yêu cầu và tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của Ủy ban là công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, yêu cầu này phải đặt lên hàng đầu. Nếu không được như vậy sẽ lại dẫn tới trì trệ, thậm chí thất bại. Kinh nghiệm của các nước cũng như vậy, chẳng hạn như ở Indonesia phải thay 3 lần người đứng đầu cơ quan này mới thành công cũng có một phần lý do là điều này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh có hai con đường cho Ủy ban, và Ủy ban phải chọn con đường là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN, chứ không đi vào con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống DN cũng như của cả đất nước. Tôi nghĩ rằng đó là sự chỉ đạo rất rõ ràng từ người đứng đầu Chính phủ đối với Ủy ban mà tôi rất kỳ vọng sẽ thành hiện thực.
Trân trọng cảm ơn ông!