Theừchínhthứcápquyđịnhmớivềbảolãnhbánnhàtrêngiấtỷ le keoo Điều 13, Thông tư 11, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (còn gọi là nhà trên giấy) khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng và không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của NHNN.
Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.
Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Ngân hàng và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi phát hành thư bảo lãnh.
Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh. Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Có nên bỏ bảo lãnh ‘bán nhà trên giấy’?
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, đề xuất xem xét bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).
Theo HoREA, sau 7 năm thực hiện quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai chỉ làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, phí bảo lãnh ngân hàng được chủ đầu tư trả trước cho ngân hàng nhưng được chủ đầu tư tính vào giá thành làm tăng giá bán nhà ở mà cuối cùng thì người mua nhà phải gánh chịu phí bảo lãnh ngân hàng này (bằng khoảng 2% giá bán nhà).
Cũng theo HoREA, quy định bảo lãnh này có dấu hiệu hầu như chỉ “làm lợi” cho ngân hàng thương mại bởi hầu hết ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh cũng chính là ngân hàng đã cho chủ đầu tư vay tín dụng để đầu tư xây dựng, phát triển dự án đó và đã nhận thế chấp chính dự án đó để bảo đảm khoản vay.
Ông Châu giải thích, ngân hàng thương mại vừa được chủ đầu tư trả lãi vay ngân hàng, vừa được lấy phí bảo lãnh thường bằng khoảng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh là dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn (tính ra phí bảo lãnh rất cao) nên hưởng lợi kép, đẩy gánh nặng chi phí lên cho doanh nghiệp và người mua.
Ngoài ra, HoREA cho rằng, quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai chưa phải là giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà.
HoREA cho rằng, quy định “bảo lãnh ngân hàng” không thật sự cần thiết mà chỉ làm tăng chi phí, làm tăng giá thành và giá bán nhà ở, không có lợi cho người mua nhà và chỉ “làm lợi” cho ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, nên duy trì hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Không thể bỏ bảo lãnh vì có bảo lãnh vẫn còn không hoàn thành được nghĩa vụ, nữa là bỏ”.
Theo ông Đức, bảo lãnh là bảo đảm cho người dân và quan trọng hơn là chủ đầu tư phải có năng lực thì ngân hàng mới bảo lãnh.
“Không những không bỏ quy định bảo lãnh mà còn cần tăng cường hơn để thực sự bảo lãnh để người dân yên tâm tuyệt đối. Còn bảo lãnh ngân hàng như bây giờ, người dân vẫn thấp thỏm… Phải quy định chịu trách nhiệm đến cùng, bảo lãnh cả gốc, cả lãi, cả thiệt hại chứ không chỉ bảo lãnh mỗi cái gốc. Cần bảo lãnh vĩnh viễn đến bao giờ người mua nhận được nhà”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Ngân hàng nhà nước đề xuất loạt thay đổi về bảo lãnh ‘bán nhà trên giấy’Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung.