Xin bà cho biết vì sao vấn nạn buôn bán ngà voi và sản phẩm ĐVHD ở Việt Nam vẫn có diễn biến phức tạp? - Thời gian qua, ENV tiếp tục ghi nhận nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi và các sản phẩm ĐVHD quy mô lớn tại Việt Nam, cho thấy tính chất phức tạp của hiện tượng này. Trên thực tế, với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong hoạt động buôn bán ĐVHD của các tổ chức tội phạm quốc tế. Thậm chí, đã hình thành nên những đường dây lớn do các đối tượng người Việt Nam cầm đầu, chuyên vận chuyển, buôn bán khối lượng lớn các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm từ nước ngoài về Việt Nam. Một trong những nguyên nhân cơ bản xuất phát từ lợi nhuận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lợi nhuận từ hoạt động buôn bán ĐVHD hay tội phạm môi trường nói chung chỉ đứng sau hoạt động buôn bán ma túy, buôn bán người và buôn bán hàng giả. Ví dụ, có thời điểm (trên thị trường bất hợp pháp), 1 kg ngà voi mua ở châu Phi chỉ có giá khoảng 50 USD (tương đương hơn 1 triệu đồng). Nhưng khi đưa ra thị trường tiêu thụ giá có thể lên đến 2.000 USD/kg (tương đương khoảng 50 triệu đồng), lợi nhuận gấp đến 50 lần. Lý do thứ hai là rủi ro từ hoạt động vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam vẫn còn thấp. Hiện nay, chính sách pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm về buôn bán động thực, vật hoang dã đã được ban hành khá đầy đủ và phù hợp. Trên thực tế, lực lượng chức năng, nhất là cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm, thu giữ hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê bị vận chuyển trái phép từ châu Phi về Việt Nam. Theo ghi nhận từ Cơ sở dữ liệu của ENV, từ năm 2018 đến nay, chỉ tính riêng ngà voi và vảy tê tê, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ khoảng 70 tấn tang vật tại các khu vực cảng biển. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một đối tượng liên quan đến hoạt động nhập lậu nửa tấn ngà voi, 6 tấn vảy tê tê, 3 tấn xương sư tử và 138 kg sừng tê giác ở Đà Nẵng đã bị đưa ra xét xử. Điều đáng nói là đối tượng này cũng chưa phải là đối tượng chủ mưu mà có lẽ chỉ là người được thuê để “đứng tên” thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu… Với lợi nhuận cao và rủi ro bị bắt giữ, xử lý còn thấp, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động giao thương quốc tế trở lại bình thường, các đối tượng tội phạm xuyên quốc gia sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh việc buôn bán ngà voi, ĐVHD như những trường hợp vừa được phát hiện gần đây tại Hải Phòng. Hiện nay vẫn có nhiều thông tin lan truyền không chính thức về tác dụng của các sản phẩm ĐVHD, theo bà, sừng tê giác, vảy tê tê hay ngà voi… liệu có tác dụng như đồn đoán và thường được sử dụng vào mục đích gì? - Theo quan niệm của một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, sừng tê giác, vảy tê tê được sử dụng trong một số bài thuốc đông y. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng điều trị bệnh của các sản phẩm này. Trong khi đó, ngà voi thường được sử dụng vào mục đích làm hàng thủ công mĩ nghệ và đồ phong thủy. Ngoài ra, việc sở hữu các sản phẩm động vật hoang dã còn được thể hiện độ giàu có, sự chịu chơi của một số đại gia… Tuy nhiên, tất cả những quan niệm, suy nghĩ như đề cập ở trên là không còn phù hợp với lối sống văn minh, hội nhập hiện tại và là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn bán ĐVHD còn diễn biến phức tạp. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để có thể đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả đối với nạn buôn bán động vật, sản phẩm ĐVHD xuyên quốc gia? - Để đấu tranh hiệu quả với các đường dây buôn lậu ĐVHD quốc tế, theo tôi, các cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao độ, tăng cường công tác điều tra, triệt phá các đường dây và đối tượng cầm đầu các đường dây đang vận chuyển hàng tấn ĐVHD trái phép về Việt Nam. Để làm được điều này, việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và quốc tế (đặc biệt là ở các quốc gia nguồn đóng vai trò quan trọng). Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn cũng rất cần thiết để đảm bảo tính răn đe. Như đề cập ở trên, quy định của pháp luật đã cơ bản hoàn chỉnh và chúng ta cần phải áp dụng hiệu quả các quy định này để xử lý các đối tượng đóng vai trò quan trọng trong các đường dây buôn bán ĐVHD lớn thì mới có thể đáp ứng được kỳ vọng. Ngoài ra, cũng cần thiết tăng cường tuyên truyền để người dân không sử dụng, không mua bán, không tiếp tay cho các đối tượng buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. Xin cảm ơn bà!
|