VNM - “người hùng” trở lại
VN-Index đóng cửa phiên giảm 0,31% so với tham chiếu. Chỉ số này vẫn giữ được trên mức 500 điểm, đạt 500,67 điểm có phần khá may mắn do VNM bật tăng trở lại. Đây có lẽ chỉ là yếu tố mang tính kỹ thuật và chưa có gì chắc chắn VN-Index sẽ còn giữ được mức 500 điểm nếu các cổ phiếu lớn vẫn trong đợt điều chỉnh.
VNM bất ngờ trở thành “người hùng” trong những phút cuối phiên hôm qua. Cả phiên sáng và chừng 30 phút đầu phiên chiều, VNM giao dịch khá lặng lẽ ở mức tham chiếu. Buổi sáng thậm chí có lúc VNM còn giảm 0,71%.
Không hề có dấu hiệu báo trước đáng chú ý nào ở VNM. Cổ phiếu này có thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu ở giá trần 149.000 đồng, nhưng cũng đã diễn ra từ sáng. Thị trường không có phản ứng đặc biệt nào trước giao dịch này. Rất có thể đây là hoạt động mua của Norges Bank như đã thông báo từ trước. Do room của VNM đã hết nên giao dịch chỉ còn cách thỏa thuận. Thời gian mua được đăng ký cũng chỉ trong 2 ngày, 9-10/10. Thông thường với các thương vụ lớn (Norges Bank đăng ký mua 950.000 cổ phiếu) thì các bên đã có sự sắp xếp từ trước, ngày giao dịch chỉ là ngày thực hiện chuyển khoản mà thôi.
Trong những ngày tới, DC Developing Markets Strategies cũng đăng ký mua vào 150.000 VNM từ ngày 10/10. Giao dịch này rất có thể cũng sẽ được thỏa thuận.
VNM chiều qua từ sau 13h30 có đột biến về giá. Sức mua mạnh lên rõ rệt, kéo giá VNM từ tham chiếu 140.000 đồng lên tận 143.000 đồng, tương đương tăng 2,14%. Mặc dù về cuối phiên, cổ phiếu này chỉ còn đóng cửa ở 142.000 đồng nhưng mức tăng vẫn là 1,43%, tác động lớn tới các chỉ số của HSX.
VNM thực sự là cứu cánh đúng lúc cho sàn này khi GAS giảm 0,74%, MSN giảm 1,18%, VCB giảm 1,38%, BVH giảm 1,51%. Rổ HSX30 hôm qua hơi đuối khi ngoài VNM chỉ có thêm VSH, PVT, PVD, OGC tăng nhẹ.
Không chỉ HSX, các cổ phiếu lớn ở HNX cũng mấy tích cực cả về giá lẫn thanh khoản. SHB giảm 1,45%, PVS giảm 0,61%, PGS giảm 0,82%, NTP giảm 1,44%. May mắn nhất cho HNX là ACB còn tăng 1,28% nên HNX-Index chỉ giảm 0,11% so với tham chiếu.
Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư thận trọng
Thị trường giao dịch chững lại trong phiên hôm qua là điều có thể cảm nhận được rất rõ. Không có kịch tính, các giao dịch diễn ra chậm, giá lình xình dưới tham chiếu. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và hạn chế mua vào khiến thị trường yếu đi, hơn là việc chốt lời tăng vượt quá sức mua.
Không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào xuất hiện trong hôm qua. Ảnh hưởng của sự kiện Mỹ có thể vỡ nợ nếu không kịp nâng trần nợ công lên khiến cả thế giới lo lắng. Nước Mỹ vỡ nợ - tức không có tiền để trả cho các trái chủ - là điều chưa từng xảy ra và cũng rất ít nhà đầu tư nghĩ đến khả năng này, dù vài lần vấn đề trần nợ công được khơi ra.
Rủi ro này cũng không cao vì nước Mỹ cần phải làm đủ cách để giữ uy tín cũng như đảm bảo về mức tín nhiệm của mình. Thời hạn chót cho việc nâng trần nợ công lên là ngày 17/10, tức là còn hơn một tuần nữa. Mọi thứ vẫn có thể xoay chuyển được. Thị trường chứng khoán thế giới ngán ngẩm vì uy tín của nước Mỹ đang được sử dụng cho chiêu bài chính trị.
Lo ngại này thực tế cũng ít tác động trực tiếp đến thị trường trong nước, nhưng lại xuất hiện đúng vào thời điểm nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời ngắn hạn sau đợt tăng vừa qua. Tâm lý thận trọng khiến giao dịch chững lại chứ không hẳn do nhà đầu tư hoảng sợ.
Thanh khoản thị trường suy giảm đáng kể, cả hai sàn chỉ đạt giá trị giao dịch 938,9 tỷ đồng, giảm khoảng 29% so với phiên trước. Các cổ phiếu lớn giao dịch rất kém về thanh khoản. Cụ thể, HSX30 chỉ giao dịch được 375,3 tỷ đồng cả phiên, là mức thấp nhất trong 8 phiên gần đây.
Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mua đáng kể. Mặc dù vẫn giữ trạng thái mua ròng, nhưng tại HSX, khối này đã giảm 55% giá trị lẫn khối lượng mua trong phiên.
Điểm mặt những mã nóng
Sức hấp dẫn hiếm hoi của giao dịch phiên hôm qua vẫn chỉ nằm ở một số cổ phiếu đầu cơ nhỏ đang thu hút dòng tiền. Do tổng mức giao dịch chung của thị trường giảm đi, dòng tiền yếu chỉ tập trung vào số ít mã đầu cơ.
HAR có thể coi là xuất hiện giao dịch đột biến với khối lượng gần 4,73 triệu đơn vị, cao chưa từng có. HAR nhảy vọt lên đứng vị trí thứ hai trên HSX về giá trị, đạt gần 32,3 tỷ đồng. HAR đã có 6 phiên tăng với mức lợi nhuận trên 21%, rất tốt trong một thời gian ngắn như vậy. Do đó hoạt động chốt lời tăng lên đáng kể. HAR vẫn tăng kịch trần 6,15% nhờ hút được dòng vốn đầu cơ lớn tham gia.
VNE cũng là cổ phiếu tăng nóng ở HSX nhưng quy mô kém hơn HAR khá nhiều. Chỉ khoảng 1,84 triệu đơn vị được giao dịch, tương đương hơn 9,5 tỷ đồng, VNE đang trong tình trạng mất thanh khoản. Cổ phiếu này đang ở mức giá cao nhất trong hơn 3 tháng và rất có thể một phiên tăng nữa sẽ xuất hiện tình trạng bán ra mạnh.
LCG tăng kịch trần với mức giao dịch 2,69 triệu đơn vị, tương đương 14,67 tỷ đồng. LCG cũng mất thanh khoản về cuối phiên sau khi khớp rất lớn buổi sáng. Khối lượng giao dịch của LCG hôm nay ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2013.
HSX còn xuất hiện một số cổ phiếu nhỏ tăng mạnh khác nhưng không kịch trần và thanh khoản cũng kém hơn. VIP, FCN, HQC, CTI là các giao dịch đáng chú ý.
Sàn Hà Nội không đóng góp nhiều cổ phiếu tăng nóng. Mặc dù số kịch trần lớn (21 mã) nhưng hầu hết giao dịch cực thấp về thanh khoản. Nổi bật chỉ có PVX kịch trần sau phiên bắt đáy hôm kia. PVX được kéo giá khá hoành tráng với gần 6,6 tỷ đồng vốn bỏ vào, khớp 2,82 triệu đơn vị. Tuy nhiên PVX khó tăng bền được vì hơn 11,9 triệu cổ phiếu bắt đáy hôm kia luôn là lượng cung thường trực nếu biên độ cứ kịch trần mỗi ngày./.
Khánh Nhi