Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang. |
Cùng dự buổi làm việc của Thủ tướng tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công thương, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết trong năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, quyết liệt xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đặc biệt, tỉnh thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhờ đó, tỉnh đã hoàn thành 17/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là tốc độ tăng trưởng đạt 5,67%; thu ngân sách vượt dự toán đề ra và cao hơn cùng kỳ; chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được nâng lên; chất lượng các mặt công tác văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,4%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy từng bước được nâng lên; giao việc đột phá, đổi mới năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 cho các chức danh cán bộ, lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý...
Tuyên Quang đã đề ra 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tỉnh phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 8,3%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng trên 7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,1%; trồng mới 9.700ha rừng tập trung…
Tỉnh Tuyên Quang đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành 8 kiến nghị liên quan các dự án đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường Tuyên Quang - Hà Giang nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cho phép tỉnh quy hoạch 6 khu công nghiệp, 2 khu đô thị trên địa bàn tỉnh; các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch; đề án nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Tuyên Quang...
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã thảo luận, phân tích, làm rõ về những đề xuất của tỉnh Tuyên Quang; đồng thời có ý kiến giải đáp, giải quyết các kiến nghị, đề xuất này.
Các ý kiến cơ bản đồng tình với việc phát triển cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa dân tộc ở Tuyên Quang.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc còn nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh. Tuy nhiên, Tuyên Quang có truyền thống, bề dày lịch sử và cách mạng rất đáng tự hào; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giữ vững đoàn kết, thống nhất và tuân thủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có lợi thế về rừng, đa dạng sinh học.
Trong năm 2021, Tuyên Quang đã đạt 17/20 chỉ tiêu: tăng trưởng đạt gần 6%; thu ngân sách tăng gần 8%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá; văn hóa, xã hội được quan tâm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, niềm tin của nhân dân tăng lên; hiệu quả quản trị hành chính có tiến bộ; tạo được nhiều việc làm cho người lao động; công tác dân tộc, tôn giáo được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Bên cạnh biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những hạn chế của tỉnh như chưa phát triển nhanh và bền vững; tiềm năng lớn, mong muốn lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nguồn lực có hạn; cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân còn thấp.
Bên cạnh đó, hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông còn khó khăn; các hạ tầng chiến lược khác như y tế, giáo dục, chuyển đổi số còn khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu; khai thác tài nguyên, nhất là đất đai chưa hiệu quả; thu chi ngân sách còn phụ thuộc vào điều tiết của Trung ương; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cho rằng năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để chọn những vấn đề sát hợp, phát huy được thế mạnh, hóa giải được những hạn chế, bất cập để phát triển nhanh và bền vững.
Trước mắt, Tuyên Quang tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, trong đó tiêm vaccine cho người dân đạt kết quả sớm hơn mục tiêu Chính phủ đề ra và vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để có điều kiện khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phải hoàn thành xây dựng các quy hoạch tỉnh trong quý I/2022 để xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời nhận thấy những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc, bất cập; từ đó xác định những lĩnh vực trọng tâm để phát triển vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế, song khắc phục được khó khăn, bất cập.
Quy hoạch phải thực hiện tổng thể, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn. Quy hoạch cần tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược để mở ra không gian phát triển mới, nhất là không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ; đồng thời phát triển hạ tầng xã hội, nhất là y tế, giáo dục, văn hóa để góp phần vào năng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đặc thù của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
“Có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt" - Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước, Tuyên Quang phải dựa vào đổi mới sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, chuyển đổi số, khai thác hiệu quả nguồn lực tự nhiên và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, để đề xuất cơ chế, chính sách; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương bạn; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Tuyên Quang tiếp tục xây dựng tổ chức và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Tỉnh góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an dân.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí và yêu cầu tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách cho Tuyên Quang. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ mảnh đất, khung trời, cửa biển; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài; ngoại lực là đột phá để phát triển tỉnh./.