Những năm gần đây,nha keo nhờ phát triển hệ thống giao thông huyết mạch đã tạo điều kiện để vùng ven đang ngày một chuyển mình. Thời điểm cuối năm, nhưng dự án Đường tỉnh 930 đoạn từ thị xã Long Mỹ đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Trên công trường, tiếng xe lu inh ỏi, tiếng máy thổi rền vang… Tất cả như hối hả để đón xuân về. Từ khi Khu công nghiệp Sông Hậu hoạt động đã thúc đẩy xã Đông Phú phát triển nhanh về lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Thị trấn trong tương lai Sau khi giải phóng, Vĩnh Viễn vẫn là một vùng quê nghèo, đường sá không có làm cho nơi này heo càng hút. Thế mà giờ đây, Vĩnh Viễn đã hoàn toàn khác. Trong ký ức của ông Lê Văn Sáu (Sáu A), ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, về hình ảnh vùng đất một thời khốn khó vẫn còn. Ông Sáu bộc bạch: Sau khi đất nước thống nhất, vùng này không đường đi, không điện, muốn đi đâu cũng phải bơi bằng xuồng. Thế mà hôm nay, thay cho những chuyến đò ngang là các con đường nhựa, bê tông thẳng tắp, nhiều ngôi trường mới khang trang mọc lên cùng khu chợ sầm uất. Trường học, nhà văn hóa ấp, trạm y tế xã được đầu tư khang trang, sạch đẹp giúp thay đổi không chỉ đời sống vật chất mà còn cả tinh thần của người dân. Với lợi thế giao thông thủy bộ, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng đô thị Vĩnh Viễn được đầu tư, nâng cấp. Không gian đô thị được chỉnh trang hơn, quy mô được mở rộng, hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Hàng loạt dự án quan trọng đã được triển khai trên vùng đất này. Điểm son của quá trình phát triển ở địa phương là dự án Đường tỉnh 930. Bởi trong tương lai gần, tuyến đường này có thể gắn kết đô thị Vĩnh Viễn với Quốc lộ 61B đang được nâng cấp, mở rộng đi thành phố Vị Thanh, Cần Thơ, kể cả các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, khu vực quanh trung tâm xã bây giờ chẳng khác gì các đô thị lớn. Buổi sáng ở đó, ngày mới bắt đầu rất nhộn nhịp. Hai bên đường, quán ăn sáng, cà phê… đầy khách. Dưới bến sông ghe tàu tấp nập, trên bờ người mua, người bán đông đúc. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, tiểu thương kinh doanh trong chợ Vĩnh Viễn, vui vẻ trần tình: “Chợ này sung túc lắm, nhất là buổi sáng. Đặc biệt hồi chia tách huyện đến giờ, tiểu thương ai cũng nhập hàng về để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bây giờ, ở đây nói về nhu yếu phẩm là có đầy, người dân trong xã không còn chạy lên chợ thị xã nữa”. Ông Hứa Hoàng Gởi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, đề cập đến sự thay đổi của xã chính là sự phát triển cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Hiện xã cũng đã quy hoạch mở rộng khu dân cư thương mại nông thôn mới với diện tích 14ha. Đồng thời, tiến hành áp giá bồi hoàn khu hành chính UBND huyện… Đây cũng là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương tìm cơ hội đầu tư nhiều hơn, làm tiền đề để xây dựng đô thị Vĩnh Viễn trở thành thị trấn trong tương lai. Chợ Vĩnh Viễn bây giờ ngày càng sung túc. Đô thị của khu công nghiệp Gần nhất với thành phố Cần Thơ, Đông Phú là một xã vùng ven của huyện Châu Thành cũng đang từng ngày “lột xác”. Nếu hỏi người dân nơi đây, đâu là sự thay đổi của địa phương mình thì câu trả lời của họ là một cái chỉ tay về những công trình, dự án công nghiệp đã và đang mọc lên ngày càng nhiều. Ông Lê Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, cho rằng: “Nếu tính sự thay đổi thì chừng năm 2007, khi vùng này bắt đầu có dấu hiệu của công nghiệp. Còn điểm nhấn để có Đông Phú như bây giờ là phải tính từ năm 2010, khi Khu công nghiệp Sông Hậu xây dựng rồi đi vào hoạt động, thu hút cả hàng ngàn lao động. Từ đó đến nay, vùng này cứ như chuyển động từng ngày”. Có lẽ, những người sinh sống ở đây vẫn còn nhớ Đông Phú ngày nào chỉ có lúa, cây ăn trái. Vậy mà hôm nay, hàng loạt dự án công nghiệp đã và đang ngự trị tại nơi này. Để có bộ mặt như hiện nay, hàng ngàn người dân đã đồng ý di dời nhà cửa, đốn hạ cây ăn trái… giao đất cho Nhà nước để làm khu công nghiệp. Vậy là chỉ trong vài năm, bài toán việc làm đã được giải quyết. Thương mại - dịch vụ cũng bắt đầu phát triển theo. Nếu như trước đây, chợ xã Đông Phú chỉ phục vụ một số hộ dân trong vùng thì nay đã trở thành khu chợ với đầy đủ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài khu vực. Chị Châu Thị Bích Trang, làm ở Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết: “Đi làm ở đây 3 năm rồi, tôi thấy chợ này ngày càng sung túc. Nhu yếu phẩm ngày một đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là lực lượng công nhân”. Một khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao sẽ khiến diện tích đất nông nghiệp dần co lại, song nhiều người xem đó là cơ hội để thay đổi cuộc sống. Có nhiều nông dân, khi đất nông nghiệp bị giải tỏa để làm các công trình đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ, công nhân hoặc song song cả hai. Ông Lê Hoàng Long, có nhà ở Khu tái định cư Đông Phú, chia sẻ: “Hiện tại, tôi cũng đã có một công việc khá ổn định. Nhưng với sự phát triển sung túc ở khu công nghiệp, chắc cũng sẽ mở thêm quán nước để kinh doanh. Tính ra công việc này nhàn rỗi nhưng thu nhập ổn định hơn”. Phát huy thương mại - dịch vụ Dù chỉ là một thị trấn ngoại thành nhưng Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp cũng đang đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ. Nhớ ngày nào Búng Tàu rất ọp ẹp thì nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Phấn khởi về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, khoe: Bước chuyển quan trọng nhất của thị trấn trong những năm qua là dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển chung của huyện, tỉnh, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ. Với việc tận dụng lợi thế vùng cửa ngõ, lại có tuyến sông Lái Hiếu đi qua, Búng Tàu đã trở thành điểm nối liền thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Tây sông Hậu và là điểm đến của giới thương hồ. Chính vì lợi thế cả thủy, bộ nên Búng Tàu có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã lân cận. Đặc biệt, những năm qua, lồng ghép từ nhiều nguồn vốn, hàng loạt dự án đang được triển khai thực hiện. Khu trung tâm thương mại thị trấn cũng đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2 để mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng cao của người dân. Còn nhớ chừng 6 năm trước, thị trấn Búng Tàu chỉ là khu chợ nhỏ với khoảng 50 tiểu thương kinh doanh thì đến nay con số ấy đã lên đến hơn 130 hộ. Nhìn nhiều ngôi nhà hai tầng hoành tráng, những quán xá nhộn nhịp, tất cả đang làm thay đổi bộ mặt thị trấn này theo hướng hiện đại hơn. Ông Phạm Văn Năm, ở ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu cũng là nông dân, nhưng từ khi chợ xây dựng, ông đã mở tiệm đổ bánh bông lan để bán. Rồi khi địa phương vận động mở rộng thêm ki-ốt theo hình thức xã hội hóa, gia đình cùng các hộ khác tiến hành đóng góp để xây dựng. “Chợ này có lâu lắm rồi, tình hình buôn bán khá ổn định nên việc xã hội hóa đầu tư chợ là chúng tôi làm ngay. Bây giờ chợ này vừa sung túc, sạch sẽ nên thuận tiện trong kinh doanh, mà cũng thu nhập cao hơn làm ruộng”, ông Năm bộc bạch. Nói vậy, không có nghĩa là ông bỏ nghề nông, chỉ là ông Năm tranh thủ cơ hội để thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Những phần đất còn lại, ông vẫn tiếp tục với đồng áng. Ở đây còn có rất nhiều người như ông Năm, họ đón lấy làn sóng phát triển thương mại - dịch vụ đang kéo đến như một vận hội mới cho chính cuộc sống của mình, thoát khỏi quãng đời cơ cực của quá khứ nghèo khó… THANH THÚY |