Theo các chuyên gia của VCBS, xét trong ngắn hạn, thời điểm nửa đầu quý 3-2014 có thể là cơ hội tăng điểm đáng kể của thị trường khi kết quả kinh doanh quý 2-2014 và 6 tháng đầu năm 2014 được hé lộ và dần công bố chính thức. Theo đó, những doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh lạc quan và đầy triển vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và tạo sức lan tỏa cho sự đi lên của hai chỉ số.
Trong khi đó về trung và dài hạn, những diễn biến của nền kinh tế vẫn sẽ là yếu tố nền tảng hàng đầu quyết định diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2014. Động lực tăng trưởng của thị trường vẫn có khi sự ổn định của nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.
Kèm theo đó, kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường về sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 vẫn đang được đáp ứng và tiếp tục nuôi dưỡng. Đồng thời, giai đoạn quý 4-2014 thường là thời gian khối ngoại bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh hiệu ứng dòng vốn rẻ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở Mỹ, EU và Nhật Bản ít nhất là đến hết năm 2014. Đây được xem như là yếu tố tạo hiệu hứng tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư trong nước.
Mặc dù vậy, VCBS cũng lưu ý nhà đầu tư đến một số rủi ro cần theo dõi và xem xét như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu và đặc biệt là căng thẳng ở biển Đông. Theo đó, trong vòng 6 tháng tới, nhiều khả năng thị trường sẽ tích lũy theo chiều hướng tăng dần thay vì tăng trưởng rất ấn tượng như 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, nếu so sánh với các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm, kinh doanh ngoại hối, bất động sản… kênh đầu tư chứng khoán vẫn được đánh giá cao. Theo đó, đầu tư vào chứng khoán mặc dù có thể không sinh lời cao như giai đoạn trước nhưng vẫn tạo ra độ hấp dẫn nhất định khi đặt cạnh các kênh đầu tư còn lại.
Chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập) của thị trường Việt Nam (sàn TP.HCM) vào cuối quý 2-2014 ở mức 13,6, giảm nhẹ so với cuối quý 1-2014 nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2013 (12,54). Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường cũng phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mức P/E của cổ phiếu Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất cho thấy mức độ “rẻ” và hấp dẫn tương đối.
Thêm vào đó, nhiều rủi ro ở các nước trong khu vực vẫn đang tiềm ẩn như vấn đề bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan, rủi ro bất ổn tỷ giá, tăng trưởng chậm ở Indonesia và thiên tai ở Philipines sẽ là một rào cản đáng kể đối với thị trường chứng khoán ở các nước này. Do đó, VCBS cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là khi mặt bằng lãi suất tại nhiều quốc gia lớn duy trì ở mức rất thấp và quý 4-2014 thường là thời điểm giải ngân mạnh của họ.