Đặc biệt, trong năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) KBNN - một nghiệp vụ mới với nhiều vấn đề nhạy cảm và phức tạp đã được triển khai trên cả nước, một lần nữa khẳng định sự nghiêm túc của KBNN trong việc triển khai nhiệm vụ mới này. Thực hiện 270 cuộc TTCN Báo cáo từ KBNN cho biết, trong năm 2016, toàn hệ thống đã triển khai thực hiện 270 cuộc TTCN, trong đó, số cuộc thực hiện theo kế hoạch chính thức là 266 đơn vị, đạt tỷ lệ 99,6%, số cuộc thực hiện theo kế hoạch dự phòng là 4 đơn vị. Từ các cuộc TTCN này, KBNN đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 32 quyết định, với hình thức xử phạt là cảnh cáo 22 trường hợp, phạt tiền 10 trường hợp với số tiền gần 42 triệu đồng. Đồng thời, từ thực tế kiểm tra, thanh tra, TTCN KBNN cũng kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, sơ hở, rủi ro trong công tác quản lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Đánh giá về việc thực hiện công tác TTCN cho đến thời điểm hiện tại, ông Trương Phác Quân, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, các cuộc thanh tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm theo đúng định hướng của Bộ Tài chính và KBNN. Việc chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra sâu sát, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Kết quả các cuộc thanh tra bước đầu đã tạo được chuyển biến về nhận thức của các đơn vị sử dụng NSNN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng NSNN, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về các khoản chi NSNN được thực hiện kiểm soát chi qua KBNN, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về NSNN của Kho bạc. Ngoài ra, cũng qua nghiệp vụ TTCN, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều đồng tình ủng hộ nên vai trò và vị thế của cơ quan KBNN đã được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả này, cũng theo ông Quân, là do các đơn vị KBNN đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài hệ thống, phối hợp giữa cấp trên và cấp dưới để xây dựng kế hoạch thanh tra đúng thời hạn quy định. Ngoài ra, qua quá trình triển khai cho thấy, quy chế hoạt động TTCN được KBNN các tỉnh áp dụng và đánh giá là phù hợp, trong đó các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, công chức được giao nhiệm vụ TTCN đã được rõ ràng, phù hợp với Luật Thanh tra và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Ngoài ra, công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra cũng được các đơn vị KBNN chú trọng bằng việc thành lập Tổ giám sát. Theo đó đã giúp cho các đoàn TTCN chấp hành tốt các quy chế hoạt động đoàn thanh tra, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, tạo ý thức chấp hành tốt các quy tắc ứng xử, tăng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật của các thành viên đoàn TTCN, góp phần phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu của thành viên đoàn TTCN khi thi hành công vụ. Công tác kiểm tra nội bộ luôn được chú trọng Báo cáo từ KBNN cho biết, năm 2016, KBNN đã tổ chức kiểm tra tại 15 đơn vị KBNN tỉnh và 35 KBNN quận, huyện. KBNN các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 839 cuộc. Công tác tự kiểm tra nội bộ trong hệ thống đã được duy trì thường xuyên, liên tục và được triển khai trên tất cả các mặt hoạt động nghiệp vụ KBNN. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện được các tồn tại, sai sót trong chấp hành quy chế, quy trình nghiệp vụ, qua đó đã tham mưu với lãnh đạo KBNN ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời đề xuất với lãnh đạo KBNN nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ của ngành. Từ đó góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của công chức trong hệ thống KBNN. Ngoài ra, công tác xử lý sau kiểm tra cũng được lãnh đạo KBNN các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao và và yêu cầu các đơn vị còn tồn tại, sai sót qua kiểm tra cần phải khắc phục triệt để. Sau mỗi cuộc kiểm tra, KBNN đều tổng hợp các kết quả, qua đó phân tích các rủi ro có thể dẫn đến mất an toàn tiền, tài sản và đưa ra các biện pháp phòng ngừa để thực hiện chấn chỉnh trong toàn hệ thống. Giải pháp nâng cao hiệu quả Theo ông Trương Phác Quân, nhiệm vụ thanh tra kiểm tra của hệ thống KBNN tới đây rất nặng nề, nhất là nhiệm vụ TTCN - một nghiệp vụ mới với nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Vì vậy, để công tác thanh tra kiểm tra của hệ thống KBNN đạt được kết quả tốt trong năm 2017 và những năm tiếp theo, KBNN đã đề ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, toàn hệ thống KBNN sẽ làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo KBNN các cấp trong chỉ đạo, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra của hệ thống, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra, xác định rõ trách nhiệm, công việc của trưởng đoàn, từng thành viên đoàn thanh tra, thời gian, cách thức, phương pháp, nội dung tiến hành, biện pháp tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, KBNN sẽ chú trọng hơn nữa tới công tác xây dựng lực lượng công chức TTCN để mỗi công chức không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững kỷ cương kỷ luật trong công tác thanh tra. Cũng theo KBNN, hiện nay các loại hình đơn vị sử dụng NSNN rất đa dạng, đặt ra yêu cầu công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu các quy định của pháp luật, có đầy đủ hệ thống các văn bản của nhà nước, bộ, ngành, địa phương làm căn cứ thực hiện... Do đó, trong thời gian tới, KBNN sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức TTCN KBNN về những kiến thức chuyên sâu về công tác thanh tra, quản lý NSNN, kiểm soát chi NSNN, hạch toán các khoản chi NSNN tại KBNN cũng như tại đơn vị sử dụng NSNN và những kỹ năng trong công tác thanh tra, đặc biệt là kỹ năng phát hiện và xử lý trong quá trình thanh tra./.
Vân Hà |