游客发表
Anh Lợi dùng tổ chim cũ trang trí, tăng thêm sự sinh động cho khu vườn rừng |
Cuối tuần, chị Phạm Phương Trang (TP. Huế) cùng bạn của mình ghé thăm quán cà phê Củi trên đường Bùi Thị Xuân. Sau khi gọi nước, chị Trang cùng bạn dạo quanh và ngắm nhìn khung cảnh nên thơ, dịu mát được tạo nên từ hàng trăm cây xanh trong không gian quán.
Chị chia sẻ: “Nhìn thấy hình ảnh của quán trên Facebook, mình đã rất ấn tượng bởi quang cảnh xanh ngát, màu sắc hệt như khu rừng mà mình nhìn thấy ở khu vực thác A Nor (A Lưới). Vì vậy mình cùng rủ bạn ghé thăm quán để vừa thư giãn, vừa chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp với khung cảnh này”.
Hai năm trở lại đây, rừng trong phố là xu hướng bài trí cảnh quan được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ các quán cà phê, nhiều gia đình có khuôn viên rộng đã sẵn sàng chi tiền để sở hữu quang cảnh lung linh, tràn ngập sắc xanh của núi rừng ngay trong vườn.
Anh Phạm Lợi (A Lưới), chủ cơ sở chuyên thiết kế, thi công và bảo trì cảnh quan vườn rừng cho biết: “Sau khi đại dịch diễn ra, nhiều người lựa chọn nâng cao chất lượng cuộc sống, tận hưởng không gian thư giãn thoải mái ngay tại nhà. Ngoài ra, guồng quay bận rộn của công việc, những áp lực, lo toan cũng khiến cuộc sống căng thẳng. Bởi thế, không gian vườn rừng với sự xuất hiện của cây cối, đá, rêu, dòng nước với những âm thanh và sắc màu dịu mát vừa giúp “chữa lành”, vừa mang vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên núi rừng xích gần lại với đời sống hiện đại. Đó là lý do hai năm nay, nhiều khách hàng đã liên hệ tôi để xây dựng không gian vườn rừng cho nơi ở của mình”.
Không dễ dàng để mang một hệ sinh thái đặc trưng của rừng về phố. Ngoài đòi hỏi những am hiểu nhất định về đặc tính của từng cây, người thiết kế cảnh quan phải kết hợp hài hòa các tầng cây, sự phân bố của mỗi loại cây sao cho chúng phát triển ổn định nhất. Cùng với đó, hoạt động bài trí còn phải tạo nên quang cảnh hợp lý, không rối, không chồng chéo nhưng vẫn giữ được sự tự nhiên và đẹp mắt nhất.
Anh Lợi cho biết thêm: “Vì lớn lên với núi rừng nên từ các loại cây gỗ lớn, dương xỉ, cây nhiệt đới cho đến rêu đá tôi đều rất quen thuộc. Thông thường, tôi sẽ chia không gian vườn rừng thành bốn tầng khác nhau để tạo nên các lớp nông sâu, đẹp mắt cho cảnh quan”.
Các tầng rừng anh Lợi thường phối trí bao gồm tầng cao cây tán to, tầng trung thứ hai cây nhỡ, tầng ba cây thấp và cuối cùng là tầng bề mặt. Anh phân tích: “Tầng đầu tiên chiều cao cây thường trên 7m, tầng thứ hai và thứ ba lần lượt có chiều cao 4 – 4,5m và 2m. Tầng bề mặt thường dưới 0,5m. Mỗi loại cây có yêu cầu riêng về nhiệt độ, ánh sáng, môi trường và độ ẩm. Ví dụ như rêu, nhiệt độ thường dưới 25 độ C và độ ẩm lý tưởng là 80%. Muốn rêu sống được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Huế, tôi phải đảm bảo khu vực có rêu đạt được ít nhất là 65% điều kiện lý tưởng trên”.
Bởi thế, cùng với việc khéo léo phối hợp cảnh quan bằng các loại cây thuần khí hậu như khế, nhãn, vải, anh Lợi còn duy trì môi trường phù hợp để cây sinh trưởng tốt trong vườn rừng bằng các hình thức như che lưới chống nắng trên cao, phun sương, tạo suối linh động dòng chảy để giảm nhiệt độ cho vườn. Ngoài ra, anh còn sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, sỏi, tổ chim cũ… để tạo sự hài hòa, tự nhiên và nên thơ cho quang cảnh của khu rừng thu nhỏ.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接