(CMO) Vượt qua những khó khăn trong quá trình tác nghiệp thời điểm dịch bệnh, vai trò của phóng viên càng được nêu cao, khi phải thực hiện “nhiệm vụ kép”: hoàn thành tốt công việc được giao, nhưng đồng thời phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.Hơn 10 năm là phóng viên, 2 năm thực hiện các đề tài “nóng” trong công tác phòng chống dịch bệnh, phóng viên Trịnh Hải (Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau) luôn nêu cao trách nhiệm, gương mẫu khi tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh. “Tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, tôi tự trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người, đặc biệt phải liên hệ trước với địa phương có điểm “nóng” để thực hiện tốt đề tài. Bắt đầu từ phóng sự “Leo trèo như giá khẩu trang”, tôi hiểu nhiều hơn về những nguy hiểm của dịch Covid-19. Thông qua đó, tiếp tục tìm hiểu những nguồn thông tin chính thống, khuyến cáo của Bộ Y tế, cài đặt các ứng dụng phòng chống dịch. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để nắm cụ thể các nguồn thông tin khi tác nghiệp", phóng viên Trịnh Hải trải lòng.
Công tác tại báo Cà Mau, phóng viên Hồng Nhung được lãnh đạo Ban Biên tập báo Cà Mau tin tưởng, phân công phụ trách theo dõi và đưa tin tức về dịch Covid-19. Ngay từ đầu, Hồng Nhung xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, tính mạng của Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như của cả đất nước. Ðồng thời, đây cũng là trách nhiệm nặng nề khi trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống dịch. Nhạy bén, nắm bắt tình hình thời sự liên quan đến dịch Covid-19, phóng viên Hồng Nhung đã đưa tin tức kịp thời, nhanh chóng, bám sát chỉ thị, chỉ đạo về các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” để người dân nâng cao nhận thức, hiểu đúng về dịch Covid-19. Phóng viên Hồng Nhung chia sẻ: “Ý thức được trách nhiệm của mình, trên tinh thần sẵn sàng đi vào vùng có dịch, tôi luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như đảm bảo nhiệm vụ Toà soạn đặt ra, góp phần phục vụ nhiệm vụ chống dịch của địa phương. Bất kể cuộc họp ngày, đêm, những cuộc kiểm tra không kể ngày nghỉ của lãnh đạo tỉnh, tôi luôn có mặt; không ngại khó, ngại khổ đến những khu cách ly, nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao để tuyên truyền những hình ảnh chân thực nhất, cụ thể nhất về các khu vực cách ly, cũng như tinh thần chống dịch tại nơi đó”. Không những đưa tin, hình ảnh trực tiếp, trực quan về dịch bệnh, phóng viên Hồng Nhung còn có nhiều bài viết tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc tự nguyện cách ly, hạn chế ra đường.
Còn nhớ, trong lúc một bộ phận người dân thiếu ý thức, trốn cách ly khi về từ vùng có dịch thì hình ảnh “3 du học sinh” về từ Hàn Quốc tự nguyện xin cách ly được phóng viên Hồng Nhung tuyên truyền trên các loại hình báo chí, phần nào khơi dậy được ý thức, tinh thần trách nhiệm chung vì cộng đồng của người dân địa phương. Vượt qua khó khăn trong quá trình tác nghiệp, với mảng đề tài y tế nói chung, đề tài về dịch Covid-19 nói riêng, những “chiến binh” thầm lặng trên mặt trận tuyên truyền đã dũng cảm xông pha, tiếp cận, thu thập những hình ảnh cụ thể, sống động… Qua đó, đủ thấy trách nhiệm, vai trò của những người làm báo trong công tác tuyên truyền về phòng chống dịch. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngòi bút và sự quyết tâm “giữ lửa nghề” của những người làm báo luôn hướng đến lợi ích chung của cộng đồng xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm./.
Hằng My
|