Đó là quán bún của bà Võ Thị Thương (74 tuổi). Quán bún đơn sơ,ánbúnnghìnđồngănbaonogiữalòngĐàNẵtỷ lệ kèo u23 không có biển hiệu, nằm trên vỉa hè đường Lê Quang Sung (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), lúc nào cũng tấp nập khách. Quán mở bán từ 6-7h sáng đến khoảng 11h trưa. Quán được mọi người gọi với cái tên thân thương “bún bà Thương” hoặc “bún bà Ty” (theo tên chồng bà).
Ghé quán vào một buổi sáng, ấn tượng đầu tiên là thực khách gọi món kèm luôn giá tiền, mức giá rẻ đến không tưởng giữa thời buổi này: “Bà ơi cho con tô bún nước 5 nghìn”, “cho con bún mắm 10 nghìn”… Đáp lại là thái độ vui vẻ, niềm nở của bà cụ.
Bà Thương làm nghề bán bún đến nay đã được 40 năm. Trước kia, bà bán bún trên đường Hàm Nghi, sau khi giải toả, bà chuyển về đường Lê Quang Sung và bán tại đây được 26 năm. Quán bún của bà ngoài bún mắm nêm còn có bún tái, gân, nạm. Mỗi tô bún đều có giá chỉ từ 5 nghìn đồng.
“Khách ăn bao nhiêu bà bán bấy nhiêu. Thường mọi người gọi tô 5 nghìn, 10 nghìn, 15 nghìn đồng. Khách nào muốn ăn nhiều thịt hơn thì mới gọi tô 20 nghìn đồng, cao nhất là 30 nghìn đồng”, bà Thương nói. Giá rẻ nên nhiều người ăn tới 2-3 tô bún.
Lý giải về lý do bán bún với giá rẻ, bà Thương cho biết, quán bún của bà không mất tiền thuê mặt bằng. Người phụ giúp cũng là con cháu trong nhà, không phải đi thuê.
“Bà bán hàng chục năm nay rồi, toàn khách quen cả nên cố gắng không tăng giá. Mình bán giá rẻ, lãi ít một tí nhưng bán được số lượng nhiều hơn bù lại. Miễn ai cũng ăn ngon, no bụng là mình vui", bà nói.
Mỗi ngày bà Thương bán được gần 1 tạ bún. Quán bún của bà lúc nào cũng đông khách. Bà Thương cho biết, ngoài khách quen, nhiều khách xa, tận quận Sơn Trà, Cẩm Lệ… cũng lặn lội đến quán bà để ăn thử vì tò mò.
“Khách ở đâu cũng đến vì muốn biết “bún 5 nghìn” thế nào rồi trở thành khách quen luôn”, bà Thương cho hay.
Bao nhiêu năm nay, quán đã trở thành địa chỉ quen thuộc của học sinh, sinh viên, những người lao động. Bởi chỉ cần 5 nghìn, 10 nghìn đồng đã có tô bún ăn bao no.
“Nhiều người nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm, chỉ dám gọi tô 5 nghìn đồng. Thấy vậy tôi thường bỏ thêm nhiều bún để họ ăn cho no có sức làm việc. Nhiều khi lấy nhiều quá, họ còn “trách” sao bà lại lấy nhiều thế”, bà Thương cười nói.
Ở tuổi 74 bà Thương vẫn nhanh nhẹn. Hằng ngày bà dậy từ 3h sáng để nấu nồi nước dùng chuẩn bị các nguyên liệu khác. Các công đoạn quan trọng như trộn mắm, luộc thịt, nấu nước dùng đều do bà tự chuẩn bị.
“Tuổi này nhiều người nói sao không nghỉ ngơi, buôn bán chi cho cực. Tuy nhiên, tôi nghỉ ngày nào là thấy người đau nhức, ê ẩm ngày đó. Cứ làm thế này lại thấy vui, thấy khoẻ. Hằng ngày ra bán bún lại có người trò chuyện rôm rả nên cứ bán đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Lúc đó lại chuyển giao cho con gái”, bà Thương tâm sự.
Là khách ruột của quán vài chục năm nay, Nguyễn Anh Đạt (30 tuổi, trú tại đường Thái Thị Bôi) chia sẻ: “Đồ ăn của quán bà rất ngon. Tôi ăn ở đây từ hồi còn là học sinh tiểu học. Chỉ khác là ngày xưa mình ăn tô nhỏ hơn, giờ thanh niên nên mỗi lần đến đây thường gọi tô lớn hơn, 10 nghìn bún mắm và 10 nghìn bún gân. Chỉ với 20 nghìn đồng ăn được 2 tô bún, tôi thấy khó kiếm được quán bún nào giá rẻ hơn quán của bà”.
Cũng gắn bó với quán từ hồi còn sinh viên, chị Tố Nữ (22 tuổi) cho biết: “Hồi sinh viên, hầu như ngày nào tôi cũng ghé quán ăn bún mà không biết ngán. Bún ở đây rất rẻ, mỗi lần ăn chỉ mất 5 nghìn, 10 nghìn đồng. Bà lại hiền lành, thương sinh viên. Nhiều khi bà sợ sinh viên đói nên cho rất nhiều bún. Giờ đi làm rồi nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng ghé quán.
Đến đây lúc nào tôi cũng gọi 2 bát, 1 bát mắm nêm và 1 bát bún bò nước, cũng chỉ mất 20 nghìn mà no căng bụng. Bà rất hào phóng nên lúc nào gọi món tôi cũng phải dặn bà cho ít bún, nếu không bà lại cho nhiều”.
Chị Hồ Thị Thu Thảo (43 tuổi, trú tại quận Hải Châu) bày tỏ: “Trước nhà tôi ở gần đây nên ghé quán thường xuyên. Giờ chuyển sang quận khác nhưng thi thoảng nhớ quán bún của bà, tôi lại đến đây. Vẫn theo thói quen cũ, mỗi lần đến tôi gọi 5 nghìn bún mắm và 5 nghìn bún nước là no. Ngày cuối tuần, tôi rủ cả chồng, con qua đây ăn sáng. Quán bún gắn với tôi cả một thời thơ ấu”.