(CMO) Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, hiện nay các ổ dịch lở mồm long móng đã khống chế qua 21 ngày, không phát hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên, các địa phương không nên lơ là trong phòng chống dịch, bởi dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 44 con heo bị tiêu huỷ do mắc bệnh lở mồm long móng ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi và xã Phú Tân, huyện Phú Tân.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Tân Nguyễn Thị Sầu Riêng thông tin, để xử lý ổ dịch lở mồm long móng trên đàn heo, trạm phối hợp với UBND xã Phú Tân tiêu độc khử trùng và điều tra đàn heo xung quanh ổ dịch bán kính 3 km để tiêm vắc-xin cho 92 con heo của 19 hộ nuôi khu vực nguy cơ lây lan cao. Trước đó, cơ quan thú y Vùng VII, Cần Thơ trả kết quả mẫu bệnh phẩm trên đàn heo 33 con của ông Trần Vũ Phương, ấp Cái Đôi, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, có kết quả dương tính với bệnh lở mồm long móng.
Buôn bán thịt heo tại chợ thị trấn Năm Căn.
Trên gia cầm, ông Nguyễn Thành Huy cho biết: "Kết quả giám sát cho thấy sự lưu hành của vi-rút H5N1 trên đàn vịt sống và môi trường tại các chợ Thới Bình, Trần Văn Thời ở mức báo động và cao nhất từ trước đến nay, lên tới 35%".
Điều đáng ngại nhất là một số chủng vi-rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 có nguy cơ xâm nhiễm vào nguồn nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Trong khi nền chăn nuôi của tỉnh nhỏ lẻ, chậm phát triển, Cà Mau chỉ chủ động được khoảng 20-30% sản phẩm gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác trong khu vực nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cái Nước Lý Hùng Hiển bày tỏ, huyện đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 90%, thường xuyên giám sát dịch bệnh tại các chợ, cũng như các địa phương trước đây đã xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các phương pháp phòng, chống dịch bệnh.
"Tuy nhiên, ý thức của một số hộ dân chưa cao nên vẫn xuất hiện dịch bệnh nhỏ lẻ. Thậm chí, nhiều hộ dân khi nhập đàn mới về nuôi, nguồn gốc con giống không rõ ràng, song chưa quan tâm tới tiêm phòng, khi có hiện tượng gia súc, gia cầm bệnh thì tự đi mua thuốc về chữa trị và không khai báo với ngành chức năng", ông Hiển băn khoăn.
Theo thống kê mới nhất của Cục Thống kê tỉnh, chăn nuôi theo nông hộ nhỏ lẻ, chiếm trên 80% tổng đàn và cung cấp khoảng 30% sản phẩm cho xã hội.
Ông Nguyễn Thành Huy nhận định, chính sự chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết, “mù” về thông tin thị trường, dịch bệnh, người dân cứ nuôi, cứ bán mà không hề biết nhu cầu thị trường thừa hay thiếu. Dĩ nhiên, theo quy luật của thị trường khi cung vượt cầu, giá xuống thấp, người nuôi bị lỗ. Giá heo hơi xuống dưới 3 triệu đồng/100 kg, người nuôi rơi vào tình cảnh lỗ lã, treo chuồng như hiện nay đã phản ánh đúng thực trạng của ngành chăn nuôi.
Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Cụ thể, các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc như: lở mồm long móng, tai xanh và tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh ở gia súc bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc mắc bệnh, gia súc chết. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc tại địa phương để xử lý kịp thời, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng./.