(CMO) Ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, có khu dân cư mà người dân quen gọi là “Xóm đảo”. Chỉ cách UBND xã Tân Thuận vài ki-lô-mét, nhưng hơn 60 hộ dân sinh sống ở cửa Áp Hạp (ấp Lưu Hoa Thanh) hàng chục năm vẫn sống trong cảnh không đường, không điện, muốn ra khỏi xóm thì chỉ có thể dùng xuồng, ai không có điều kiện thì thuê đò. Trẻ em nơi đây phần lớn bỏ học giữa chừng, thậm chí là không đi học, bởi nhiều gia đình không kham nổi việc học của con em cùng tâm lý bất an khi sóng to, gió lớn, đi đò qua sông quá nguy hiểm.
Ông Lê An Quốc, Bí thư Chi bộ ấp Lưu Hoa Thanh, trăn trở khi nói về cuộc sống của những hộ dân phải sống tách biệt trong cái khó bủa vây ở cửa Áp Hạp. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, ông trình bày với các đại biểu, ngành chức năng nhưng câu trả lời vẫn là “khó, đây là khu rừng phòng hộ nên rất khó đầu tư điện, đường...”; còn về tái định cư nơi khác thì vẫn “đang có hướng…”.
Trong khi chờ đợi gỡ khó và tìm ra hướng thì cư dân xóm đảo vẫn cứ làm đủ nghề, từ mò cua, bắt ốc, ai có xuồng thì đi đánh bắt ven bờ để mưu sinh. Cứ như thế, cuộc sống hàng ngày vẫn tạm ổn nhưng để phát triển, để đi lại, giao thương và để cho con cái đi học an toàn thì xem ra vẫn còn xa.
Người dân xóm đảo thường vào rừng kiếm sống. (Trong ảnh: Đánh bắt cá ở các con kênh trong rừng.)
Anh Lý Văn Tèo có 2 đứa con, đứa lớn năm nay 9 tuổi nhưng vẫn chưa đi học. “Ở đây đa số gia đình cho bọn trẻ nghỉ học vì không an toàn khi qua sông vào mùa sóng to, gió lớn”, anh Tèo ngán ngẩm.
Không đi học, trẻ con xóm đảo hàng ngày vào rừng mò cua, bắt ốc phụ giúp cha mẹ. Ông Lê An Quốc cho biết: “Mấy chục năm về trước xóm này trên 60% người dân không biết chữ. Muốn làm giấy tờ gì họ chỉ biết gạch thập, sau này không cho gạch thập thì lăn tay. Bây giờ thì đỡ hơn nhưng tôi đảm bảo cũng trên 30% người dân không biết chữ. Mà số người không biết chữ giảm cũng không phải họ được học hành, bồi dưỡng thêm gì mà phần người lớn tuổi mất, một số thì đi nơi khác làm ăn, một số thì tự mày mò học để biết viết tên mình”.
Trẻ con hàng ngày đi bắt ốc len đem bán kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Đứa con lớn của anh Lý Văn Tèo dù đã 9 tuổi vẫn chưa đến trường. Anh cho biết sẽ không cho con đi học vì qua sông rất nguy hiểm vào thời điểm sóng to, gió lớn, hơn nữa chi phí để đi học quá cao.
Mấy chục hộ dân nơi đây phải sử dụng điện chia hơi, dây mắc chằng chịt nhưng cũng chỉ để đốt vài bóng đèn điện, cây quạt gió, ngoài ra không sử dụng cho thiết bị gia dụng nào khác vì điện quá yếu. Bà Sơn Quyên vừa bắc nồi cơm lên bếp củi, vừa nói: “Điện chia hơi nên giá cao, chỉ để đốt đèn chứ nấu cơm không chín nổi vì chập chờn và quá yếu. Ở đây dù người khá giả, có tiền cũng không ai dám mua các thiết bị vì có đủ điện đâu mà dùng”. Anh Lý Văn Tèo cười nói: “Ở đây ai đem dàn âm ly ra hát có khi bị chửi vì khi đó những hộ khác không sử dụng điện được”.
Chị Thạch Hường cho biết: “Người dân ở đây vẫn có thể kiếm sống được bằng nhiều cách, như mò cua, bắt ốc, đánh bắt ven biển. Chỉ mong được đầu tư điện, đường để cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Mặc dù kéo điện về chỉ sử dụng cho vài nhu cầu như thế nhưng tiền để trả việc này không hề ít. Anh Tèo cho biết: “Ở khu vực này có 22 hộ cùng chia hơi điện và chia tiền ra đóng hàng tháng. Tính trung bình 1 KW điện từ 8.000 đồng, thậm chí tháng cao điểm lên đến 10.000 đồng. Tiền điện hàng tháng mỗi hộ không dưới 500.000 đồng, đồng hồ điện gắn ở trụ gần UBND xã kéo về đây cũng hơn 2 km”.
Sống ở xóm đảo, chi phí từ nhà ra đến UBND xã hàng ngày cũng là vấn đề lớn dù chỉ cách vài ki-lô-mét đi bằng đường sông, nhưng không có đường bộ nối liền trục ấp.
Anh Lý Văn Khai làm nghề chạy đò chở khách, cho biết: “Do đi lại bằng đò nên rất tốn kém. Ai có việc gì thực sự cần thiết mới đi nên có người vài tháng không ra khỏi xóm. Trẻ con đi học cũng chỉ có thể đi đò, vừa tiền đò đi về, vừa chi phí ăn uống mỗi ngày tốn không dưới 40.000 đồng nên ít người cho con đi học”.
Khó khăn là thế, nhưng hơn 60 hộ dân sống hai bên bờ cửa Áp Hạp muốn được đầu tư một con lộ nối liền đến UBND xã để phục vụ việc đi lại, giao thương mà hơn chục năm nay không được đồng ý, dù người dân sẵn sàng góp tiền với Nhà nước để xây dựng. Ở bờ bên kia của cửa Áp Hạp, cuộc sống người dân khấm khá hơn do có đất dành cho sản xuất. Họ nuôi tôm nên kinh tế ổn định hơn.
Anh Lê Văn Gai nói: “Ở đây gần cửa biển nên nuôi tôm rất hiệu quả, chỉ cần được đầu tư điện, đường thì cuộc sống người dân sẽ thay đổi. Chúng tôi cũng xin, cũng kiến nghị rất nhiều nhưng cho đến nay không được đồng ý, và được giải thích là khu vực đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ. Dù người dân sẵn sàng bỏ tiền ra để làm đường nhưng không được Nhà nước cho phép thì đành chịu”.
Người dân cửa Áp Hạp (ấp Lưu Hoa Thanh) hàng chục năm vẫn sống trong cảnh không đường, không điện, muốn ra khỏi xóm thì chỉ có thể dùng xuồng, ai không có điều kiện thì thuê đò.
Dù trăn trở về cuộc sống của người dân xóm đảo, nhưng ông Lê An Quốc cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Người dân sống ở Áp Hạp khó khăn đủ đường, tôi chỉ mong là họ được đầu tư điện, đường để thoát khỏi cảnh sống biệt lập, phát triển kinh tế. Có đường thì con em của bà con xóm đảo mới có cơ hội đến trường. Tình hình như thế này, nếu chính quyền địa phương, ngành chức năng không tích cực tìm ra hướng giải quyết thì cho dù vài chục năm nữa cuộc sống người dân xóm đảo ở Áp Hạp cũng chẳng thể thay đổi theo hướng tốt lên được”./.