Hệ thống quản lý hải quan tự động được Tổng cục Hải quan triển khai thành công đã góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
PV: Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của những giải pháp này của ngành Hải quan?
Ông Mạc Quốc Anh: Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đánh giá rất cao các giải pháp cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số của ngành Hải quan, từ khâu xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ đến khâu thực thi.
Nhận thức được vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Hải quan triển khai rất tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số, dữ liệu hóa về mặt số liệu, từ khâu quản lý đến khâu giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân thông qua cắt giảm các thủ tục hành chính, tối giản quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều lô hàng, sản phẩm trước đây làm thủ tục mất 10 - 15 ngày, nay chỉ thông quan ngay trong ngày, thậm chí tính bằng giây nếu nộp đủ các thủ tục, chứng thư qua hệ thống hải quan điện tử.
Về mặt nhân lực, ngành Hải quan cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, không chỉ cho cán bộ công chức làm thủ tục xuất nhập khẩu, mà cho các các doanh nghiệp. Những thông tin quan trọng đều được cơ quan Hải quan gửi qua hệ thống thư điện tử của các doanh nghiệp, không chỉ gửi cho các bộ phận xuất nhập khẩu mà gửi cho cả lãnh đạo doanh nghiệp để nắm bắt nhanh, kịp thời.
Ngoài ra, bằng việc liên kết, hợp tác chia sẻ dữ liệu với hải quan quốc tế, Hải quan Việt Nam còn hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường, quy mô, năng lực nhập khẩu, xuất khẩu và các dự báo để giúp họ tính toán kế hoạch sản xuất sao cho hoạt động xuất nhập khẩu hợp lý, thuận lợi, tránh tồn kho, giảm thiểu rủi ro.
PV: Những kết quả tích cực như ông vừa chia sẻ đã lan tỏa và tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Mạc Quốc Anh: Các doanh nghiệp đã được hưởng lợi rất nhiều. Trước tiên là tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Thứ hai là tiết kiệm nhân lực. Trước đây doanh nghiệp phải cần 3 - 5 cán bộ để làm các cái thủ tục xuất nhập khẩu thì nay chỉ cần có 1 cán bộ là đủ.
Khi doanh nghiệp thực hiện tốt, đúng các quy định về hải quan, thời gian được rút ngắn, chi phí giảm, thông quan nhanh thì các sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được thị trường nhanh chóng hơn, chiếm lĩnh được thị trường rộng hơn, hỗ trợ nâng cao uy tín, năng lực doanh nghiệp. Minh chứng là lợi nhuận trên đầu các sản phẩm về xuất khẩu của các doanh nghiệp từ năm 2023 cho đến quý I/2024 đã tăng từ 10% lên đến 15%.
Xa hơn có thể thấy dữ liệu về tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn cả nước cũng như thị trường quốc tế và khu vực đều được ngành Hải quan thống kê, cập nhật trên hệ thống website đã giúp cho các doanh nghiệp có được những thông tin mới, cập nhật kịp thời. Điều này hỗ trợ tích cực cho công tác dự báo của cộng đồng doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược kinh doanh.
PV: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, trong đó có nhiều nội dung nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa cơ quan hải quan trong công tác này. Vậy theo ông, ngành Hải quan tiếp tục như thế nào để đẩy mạnh hiệu quả công tác này hơn nữa?
Ông Mạc Quốc Anh: Ngành Hải quan là một trong những đơn vị được Chính phủ cũng như các bộ, ngành đánh giá rất cao trong triển khai cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt áp dụng chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Cơ quan hải quan cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu, kế hoạch cụ thể, ví dụ như đến 2030 thì 100% thủ tục thông quan không cần giấy tờ. Những mục tiêu này đều là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn là ngành Hải quan sẽ làm được.
Với chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, tôi nghĩ ngành Hải quan phải là cơ quan chủ trì, đứng ra phối hợp với các cơ quan liên quan đang thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chúng tôi tin tưởng rằng, ngành Hải quan sẽ thực hiện tốt, hiệu quả yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Việc tin tưởng đó xuất phát từ ngành Hải quan luôn lắng nghe và tổ chức rất nhiều chương trình đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Các hàng rào làm cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đều được ngành Hải quan chủ trì, phối hợp giải quyết triệt để cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính. Thực tế, thời gian qua, hàng trăm thủ tục hải quan đã được cắt giảm và chúng ta nhìn thấy rõ hiệu quả được chứng minh bằng việc Việt Nam liên tục xuất siêu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động nghiệp vụ Trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu được ngành Hải quan đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ). |