Bài toán khó Năm 2015 là năm cuối của “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Nhưng tính đến tháng 9-2015, số DNNN cổ phần hóa đạt 94 đơn vị. So với kế hoạch năm 2015 là 289 DN thì mới đạt được khoảng 1/3 và từ nay đến cuối năm còn gần 200 DN phải thực hiện cổ phần hóa.
Để “chạy” tiến độ, theo ông Đặng Quyết Tiến, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và phê duyệt, chỉ đạo thực hiện các đề án tái cơ cấu DN trực thuộc. Do vậy, đến ngày 30-9-2015, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 109 DN, trong đó có 6 tổng công ty Nhà nước, 70 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 110 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Kết quả thoái vốn về giá trị theo sổ sách tăng 140% so với cùng kỳ năm 2014. Về cơ chế chính sách để hỗ trợ DNNN cổ phần hóa và thoái vốn theo như nhận xét của lãnh đạo Cục Tài chính DN đã tháo gỡ hết. “Có chính sách, Chính phủ đã vượt thẩm quyền như cho thực hiện trước rồi hoàn thiện thể chế sau. Điều này thể hiện rõ nhất ở Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Theo đó, đã cho phép DNNN được thoái vốn ngay theo giá thị trường và về sau hoàn thiện quy trình tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Mới đây, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước, Chính phủ cho phép các DN đã cổ phần hóa và thuộc diện phải thoái vốn… được bán đấu giá cổ phần theo lô” - ông Đặng Quyết Tiến nói. Để trả lời cho câu hỏi vì sao tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn ì ạch, ông Đặng Quyết Tiến thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chậm là do nguồn cung lớn hơn cầu, có nghĩa trên thị trường vốn còn thiếu nhà đầu tư. Hiện nay, thị trường chứng khoán đã hửng lên nhưng chưa thực sự hút được nhu cầu khối lượng hàng bán ra. Thực tế nhà đầu tư nước ngoài đã vào nhưng “đặt bút” mua chưa nhiều vì e ngại DN cổ phần hóa chưa công khai minh bạch thông tin một cách rõ ràng. “Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo DNNN thực hiện công khai khi xác định giá trị DN nhưng điều nhà đầu tư kỳ vọng là công khai nhưng phải minh bạch thông qua việc khẳng định số liệu đã công khai có chính xác và tin cậy được hay không” - ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh. Việc thực hiện cổ phần hóa vẫn còn sự “du di” không quyết liệt, theo ông Đặng Quyết Tiến là bởi phụ thuộc vào lãnh đạo các DN này. Chính tâm lý của không ít người còn e ngại sợ mất vị trí, mất quyền và lo nhất khi DN thực hiện cổ phần hóa sẽ lộ những tồn tại, yếu kém, gắn trách nhiệm người điều hành DN. Tháo gỡ Để tháo gỡ những nút thắt trên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra quyết sách chính thức nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO. “Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ và các Hội nghị đối tác trong nước, chính sách này đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và đây sẽ là cơ hội để hút quỹ đầu tư, tập đoàn tài chính tham gia đầu tư vào các DNNN” - ông Đặng Quyết Tiến nói. Song song đó, Chính phủ tổ chức chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty phải quán triệt thực hiện tốt yêu cầu về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; xây dựng và công khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện được theo tiến độ. Chính phủ cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá, giá trị sổ sách và thực hiện chuyển nhượng vốn theo thỏa thuận. Đồng thời, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại cổ phần xuống mức 65%... sẽ là đòn bẩy cho thị trường đấu giá cổ phần của các DNNN. Về phía Bộ Tài chính cam kết ngoài đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, để đảm bảo thúc đẩy thành công quá trình cổ phần hóa. Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn Nhà nước, ban hành ngày 6-10 vừa qua, Bộ Tài chính có trách nhiệm tham gia giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào DN và phải có trách nhiệm công khai kế hoạch giám sát; công khai thông tin tài chính của DN và các cơ quan đại diện chủ sở hữu; kết quả đánh giá hiệu quả xếp loại DN… Quy định này đã kịp thời giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng làm thất thoát vốn Nhà nước trong hoạt động tái cơ cấu DNNN. |